Lạm phát toàn cầu gây sức ép lên Việt Nam

12906

5 tháng đầu năm, CPI đã vượt qua mốc 2,25%. Trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là dưới 4%. Như vậy dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu là không còn nhiều.

Thách thức tăng trưởng thấp, lạm phát cao

Trái với kỳ vọng của nhiều tổ chức quốc tế về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều tác động lớn đến từ cú sốc kép là đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Ukraine.

Mới đây nhất, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm mạnh xuống còn 2,6%. Còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chỉ đạt 3,4%.

Trong khi dự báo tăng trưởng toàn cầu nhiều lần cảnh báo theo chiều đi xuống, lạm phát lại liên tục đi lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi là 8,7% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó.

Tính chung trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thêm 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%.

Lạm phát toàn cầu gây sức ép lên Việt Nam - Ảnh 1.

Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đưa ra cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang hụt hơi.

“Tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài, khiến các ngân hàng trung ương buộc phải thắt chặt kiểm soát chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó là đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc với việc đóng cửa thường xuyên hơn do đại dịch COVID-19”, ông Pierre Olivier Gourinchas, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết.

Lạm phát ở khu vực đồng Euro trong tháng 5 ước khoảng 8,1%, cao gấp hơn 4 lần mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu đề ra là 2% và là mức cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu ra đời.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã chạm mức 8,3% so với một năm trước, tức cao gấp 4 lần so với mục tiêu kỳ vọng của FED và cũng tăng cao nhất trong 40 năm qua.

Từ đầu năm tới nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần tăng lãi suất và dự kiến đến cuối năm sẽ còn tăng thêm 3 lần nữa. Tuy nhiên FED cũng đang gặp khó là phải tăng lãi suất như thế nào để kiềm chế được lạm phát, nhưng không làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, dẫn tới suy thoái.

Lạm phát toàn cầu tăng cao gây sức ép lên Việt Nam

Tại Việt Nam, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào là nguyên nhân chủ yếu đẩy CPI tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước.

Dù đây chưa phải mức tăng cao, tuy nhiên trong xu hướng giá cả vẫn đang tăng nóng trên toàn cầu, việc kìm giữ đà tăng này là một thách thức.

5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã vượt qua mốc 2,25%. Trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là dưới 4%. Như vậy, dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là không còn nhiều. Việt Nam nhập khẩu lạm phát từ thế giới ở mức độ là như thế nào? Đây là vấn đề được quan tâm nhất lúc này.

“Chỉ 10% là nhập khẩu cho tiêu dùng, 90% là nhập khẩu cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên liệu đầu vào rồi tiếp tục xuất khẩu ra, nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá cả, vì vậy nó sẽ ít tác động hơn đến nền kinh tế nội địa”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, đánh giá.

Mức lạm phát 2,25% hiện nay chủ yếu từ sự tăng giá của các mặt hàng, nguyên nhiên liệu, chứ chưa tính các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Do đó, thời gian tới, các gói hỗ trợ tiếp tục được giải ngân mạnh, bài toán kiểm soát lạm phát càng cần được cân nhắc.

“Chúng ta phải giải ngân hỗ trợ y tế, đảm bảo an sinh xã hội và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Những gói này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí duy trì được mặt bằng giá”, ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhận định.

Giá xăng dầu luôn tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, nên ngay lúc này, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đang được xem xét ưu tiên giảm tiếp lần thứ 2, để kiềm chế đà tăng của giá cả.

“Chúng tôi đang dự kiến mức giảm cho tới mức sàn đối với thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong thẩm quyền ở mức thấp nhất”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.

Ngay khi có dấu hiệu áp lực lạm phát, nhiều chính sách đã kịp thời điều chỉnh như giảm 2% thuế VAT; sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cung cầu xăng dầu để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

“Có thể thấy kết quả rất tích cực và tiếp tục tin tưởng những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát, giảm thiểu tối đa những tác động tăng giá đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thông qua các chính sách tài khóa, thay vì bơm tiền trực tiếp ra nền kinh tế”, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh.

Áp lực lạm phát ngày càng lớn là một thực tế. Để hạn chế vòng xoáy lạm phát, theo nhiều chuyên gia, việc kiểm soát chặt giá cả hàng hóa, nguyên nhiên liệu song song với điều tiết chính sách cần phải đặc biệt ưu tiên.

Nguồn: VTV (09/06/2022)

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn