Hiểu về ngành thuỷ sản Canada

44048

Ngành công nghiệp thuỷ sản Canada đóng góp lớn vào nền kinh tế Canada. Năm 2020, ngành đánh cá của Canada đã xuất khẩu 6,4 tỷ CAD các sản phẩm cá và hải sản và sử dụng khoảng 68.000 lao động trong ngành (44.000 trong đánh bắt cá, 4.000 trong nuôi trồng và gần 20.000 trong chế biến thuỷ hải sản). Doanh số đánh bắt cá nước ngọt và xa bờ đạt trung bình 2.5 tỷ CAD/năm và nuôi trồng thuỷ sản đạt 1 tỷ CAD/năm; trong khi đó chế biến đóng gói thuỷ sản đạt gần 6 tỷ CAD/năm.

Canada có 17.000 thuyền đăng ký đánh bắt xa bờ và mỗi năm đánh bắt được khoảng 720.000 tấn chủ yếu là các loại cá, trong đó giá trị các thuỷ sản có vỏ lên tới trên 2 tỷ với 344.000 tấn, khoảng 300 triệu CAD giá trị cá đáy và 150 triệu CAD cá mặt nước. Về số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, Canada hiện có 881 cơ sở, với năng lực cung cấp khoảng 170.000 tấn năm. Canada chủ yếu nuôi trồng cá hồi với khối lượng 120.000 tấn năm và giá trị đạt 820 triệu CAD; ngoài ra là các sản phẩm cá có vây và nhuyễn thể có vỏ khác như hàu, vẹm, nghêu, sò điệp…

Về thương mại, ngành cá và thuỷ sản của Canada đóng vai trò quan trọng cả trong xuất và nhập khẩu. Năm 2021, Canada xuất khẩu 619.381 tấn sản phẩm các loại, thu về khoảng 8.8 tỷ CAD và nhập khẩu 572.764 tấn sản phẩm, tương đương 4.6 tỷ CAD, thặng dư thương mại ngành thuỷ hải sản của Canada đạt trên 4 tỷ CAD. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Canada là tôm hùm, cua tuyết, cá hồi đại dương trong khi Canada nhập khẩu nhiều loại thuỷ sản khác từ thế giới, trong đó có cá ngừ và tôm. Có thể thấy hơn 75% sản lượng đánh bắt và nuôi trồng nội địa của Canada là để xuất khẩu. Hiện nay, Canada là nhà xuất khẩu thuỷ hải sản lớn thứ 8 trên thế giới với mạng lưới khách hàng rộng khắp trên 130 nước. Hoa Kỳ tiêu thụ 64% sản lượng xuất khẩu của Canada, Trung Quốc 11%, EU 10%, Nhật Bản 4% và Hongkong 2%.

Ở Canada, Bộ Nghề cá và Đại dương (DFO) giám sát việc quản lý nguồn lợi thủy sản của Canada và làm việc với ngư dân trên khắp đất nước để đảm bảo tính bền vững của các đại dương và nghề cá nội địa của Canada; điều chỉnh và quản lý khâu sản xuất cuối cùng của doanh nghiệp. Bộ Nghề cá và Đại dương thiết lập các hướng dẫn và thủ tục để hỗ trợ các hệ sinh thái lành mạnh và hiệu quả, đồng thời duy trì nghề cá cho các thế hệ tương lai. Bộ Nông nghiệp Thực phẩm Canada (AAFC) chịu trách nhiệm hỗ trợ phát triển thị trường và truy xuất nguồn gốc. Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm Canada (CFIA) đặt ra các chính sách, yêu cầu và tiêu chuẩn kiểm tra.

 

Tất cả các sản phẩm thủy sản đến từ ngành đánh bắt cá của Canada đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng và tuân thủ các tiêu chuẩn về sản phẩm và quy trình để tiêu thụ trong nước và quốc tế. Các tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho các sản phẩm hải sản nhập khẩu vào Canada và đảm bảo rằng các sản phẩm hải sản được an toàn và được xác định đúng. Một phần quan trọng trong việc thiết lập nghề cá bền vững ở Canada là chứng nhận và giám sát nguồn gốc của các sản phẩm cá và hải sản, nơi chúng được chế biến và cách chúng được bán cho người tiêu dùng Canada. Chứng nhận sản phẩm cá và hải sản có nghĩa là nhà sản xuất phải đưa ra bằng chứng rằng sản phẩm của họ đã được thu hoạch và phát triển một cách bền vững.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại 
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn