Hàng Việt trước FTAs: Giữ vững “sân nhà”

16522
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực đã và đang mở ra cơ hội lớn cho hàng Việt xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, hàng Việt cũng phải đối mặt không ít thách thức khi phải cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập ngoại.

Cạnh tranh gay gắt

EVFTA là một trong những FTA đang được doanh nghiệp tận dụng hiệu quả. Ngược lại, ở thị trường nội địa, người tiêu dùng cũng chờ mua các sản phẩm chất lượng từ EU với giá phải chăng nếu được giảm thuế. Theo thống kê của cơ quan chức năng, dự kiến đến năm 2035, xuất khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương 15 tỷ euro.

Việc Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA khiến thị trường trong nước không còn là khái niệm “sân nhà”. Đặc biệt, với những nhóm, ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít thách thức.

Đơn cử, theo lộ trình cam kết của EVFTA, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa sẽ giảm dần trong vòng ba năm, cạnh tranh gay gắt với sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước. Chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam cao, cùng với năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp sữa Việt gần như không được hưởng lợi từ xuất khẩu, vì EU chưa cấp phép nhập khẩu sản phẩm sữa có xuất xứ từ Việt Nam. Cùng với sữa nhập khẩu, nhiều nông sản khác như hoa quả, thịt gia súc gia cầm… từ EU cũng có cơ hội tăng thị phần tại Việt Nam theo lộ trình giảm thuế của EVFTA.

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam – cho biết, hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng hàng trong nước lại không phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương đương. Đây là khó khăn cho hàng Việt khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là hàng từ các nước EU.

Với rau quả, theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – lợi thế của trái cây nhập khẩu là mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được bao gói lịch sự, bắt mắt, nhiều loại quả lạ mà Việt Nam không có. Chưa kể, nếu như cách đây vài năm, mức giá của nhiều loại trái cây nhập khẩu khá cao, không nhiều người tiêu dùng có thể mua thì gần đây giá đã giảm tương đối nhiều. Nhờ giảm thuế nên mức giá của nhiều loại cạnh tranh tốt với sản phẩm nội địa. EVFTA có hiệu lực cũng sẽ giúp hàng loạt sản phẩm rau quả xuất xứ châu Âu có cơ hội vào Việt Nam với giá rẻ hơn hiện nay khá nhiều.

Chinh phục thị trường trong nước

Để vừa tận dụng cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa chiếm lĩnh thị trường trong nước trước những thuận lợi và thách thức đan xen khi thực hiện các FTA, theo chuyên gia, mỗi ngành cần phải có chiến lược cụ thể để chiếm lĩnh thị trường khi Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhằm nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản. Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học – công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa.

Ông Lương Hữu Lâm – Giám đốc thương hiệu Giovani Group – cho rằng, khi hàng hóa EU tràn vào Việt Nam nhờ giảm thuế, nhìn ở góc độ tích cực, đây chính là động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói, hiện nay không phải người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nữa mà là hàng Việt Nam phải chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Chỉ khi hàng Việt có chất lượng mới chiếm lĩnh được thị trường.

Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, thị trường trong nước với 100 triệu dân đã chứng minh vai trò không thể thay thế, khi doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì tăng trưởng hai con số. Điều này cho thấy, sức mua dồi dào trong nước sẽ tiếp tục giúp các doanh nghiệp tăng trưởng trong tương lai. Nâng cao sức cạnh tranh thông qua chất lượng hàng hóa là giải pháp quan trọng, giúp hàng Việt Nam giữ vững được thị trường nội địa, trong bối cảnh kinh doanh chung còn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Về phía Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu đưa hàng hóa Việt đến gần với người tiêu dùng; tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp xây dựng cơ chế, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Phương Lan

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn