Để đàm phán nhanh, LNG Bạc Liêu cần giữ giá điện 7 UScent/kWh

13481

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đề nghị chủ đầu tư Điện khí LNG Bạc Liêu giữ cam kết giá điện khoảng 7 UScents/kWh để tiết kiệm thời gian đàm phán Hợp đồng mua bán điện.

Sớm hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư 

Ngay sau khi Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu, với tổng công suất 3.200 MW (4×800 MW), tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD) và hoàn thành cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ở thời điểm hiện tại, chủ đầu tư Dự án là Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) đã ký hợp đồng thuê Viện Năng lượng làm tư vấn chủ đầu tư và tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, các báo cáo chuyên ngành. Mục tiêu được đặt ra là hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư Dự án trong năm 2020.

DOE cũng đã lựa chọn Tập đoàn Bechtel (Hoa Kỳ) là đối tác chiến lược, với tư cách là tổng thầu EPC của Dự án.

DOE đã có buổi làm việc chính thức (online) đầu tiên với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để triển khai các công việc liên quan đến Dự án vào cuối tháng 4/2020, với mục tiêu triển khai quá trình đàm phán Hợp đồng mua bán điện và phấn đấu ký kết được Hợp đồng trước tháng 10/2020.

Theo kế hoạch của DOE, Dự án sẽ hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư vào cuối tháng 12/2020, giai đoạn I (công suất 800 MW) đưa vào vận hành năm 2024 và hoàn thành toàn bộ Dự án vào tháng 12/2027.

Trong dự án này, tổ hợp kho cảng LNG sẽ nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu và cách vị trí nhà máy điện 35 km.

Cho rằng, việc triển khai trung tâm điện khí LNG Bạc Liêu đúng tiến độ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực nhấn mạnh, đây là dự án đầu tiên trong nhóm các nhà máy điện khí triển khai trong thời gian tới, nên cần có cơ chế, cách tiếp cận mới để triển khai thành công và là mô hình để triển khai các dự án LNG sắp tới tại các địa phương khác.

Điểm chốt hợp đồng mua bán điện

Chủ đầu tư cho hay, do tiến độ triển khai các công tác có liên quan của Dự án phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của Covid-19, nên để đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung và tiến tới ký kết Hợp đồng mua bán điện trước tháng 10/2020, Công ty và các đối tác cần sự hỗ trợ của EVN trong hướng dẫn về các nhu cầu năng lượng cụ thể, giờ vận hành, tiến độ, phương án đấu nối…, làm cơ sở cho thiết kế kỹ thuật để có thể soạn thảo Hợp đồng mua bán điện cuối cùng và thống nhất chi phí hợp đồng với các nhà cung cấp.

Chia sẻ yêu cầu này, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã đề nghị, EVN đàm phán với chủ đầu tư, nhanh chóng ký biên bản ghi nhớ thực hiện kế hoạch thỏa thuận Hợp đồng mua bán điện với các mốc cụ thể để thống nhất lộ trình, mục tiêu kế hoạch trong thời gian tới; ký thỏa thuận khung Hợp đồng mua bán điện. Đồng thời nhắc lại, “nếu có đề xuất, vướng mắc nằm ngoài quy định hiện hành, EVN cần báo cáo ngay Bộ Công thương xem xét, giải quyết”.

“Nếu chủ đầu tư giữ cam kết giá điện như khi đề xuất Dự án để các cơ quan hữu trách thông qua, thì việc đàm phán này sẽ được triển khai rất thuận lợi.”

Tuy nhiên, Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo liên quan đến Dự án LNG Bạc Liêu cũng nêu rõ: “Đề nghị Chủ đầu tư giữ cam kết giá điện của Dự án khoảng 7 UScents/kWh để tiết kiệm thời gian đàm phán Hợp đồng mua bán điện”.

Nói về yêu cầu đàm phán nhanh Hợp đồng mua bán điện, đại diện EVN cho hay, nếu chủ đầu tư giữ cam kết giá điện như khi đề xuất dự án để các cơ quan hữu trách thông qua, thì việc đàm phán này sẽ được triển khai rất thuận lợi và rút ngắn được nhiều thời gian, bởi không phải tính toán quá nhiều thông số liên quan.

Được biết, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Viện Năng Lượng bám sát tiến độ hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 9/2020. Sớm hoàn thành hồ sơ phương án đấu nối, thống nhất phương án đấu nối với EVN và UBND tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Điện quốc gia, làm cơ sở triển khai lưới điện đấu nối đồng bộ với tiến độ xây dựng nhà máy.

Trước đó, khi đóng góp ý kiến cho dự án này theo yêu cầu của Bộ Công thương, các bên liên quan cũng đã đưa ra tính toán sơ bộ cho thấy, sẽ cần phải xây dựng khoảng 355 km đường dây 500 kV để giải tỏa công suất, với tổng mức đầu tư khoảng 285 triệu USD.

Với thực tế hàng loạt dự án điện LNG đã và đang xin bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, trong khi khung giá mua điện của loại hình này chưa có, Ban Chỉ đạo yêu cầu Cục Điều tiết điện lực khẩn trương hoàn thành khung giá điện của các nhà máy điện khí sử dụng khí hóa lỏng trong quý III/2020, báo cáo Bộ Công thương xem xét.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn