Chuyển đổi số thúc đẩy xuất khẩu trong mùa dịch

14236

Khó khăn về thị trường xuất khẩu trong mùa dịch Covid-19 sẽ được xóa bỏ phần nào khi doanh nghiệp (DN) áp dụng các giải pháp chuyển đổi số để hỗ trợ hoạt động giao thương.

Xu hướng phổ biến

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2020, số đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp da giày đã giảm sút mạnh. Tuy nhiên, tin vui là gần đây, nhiều doanh nghiệp da giày đã tìm được các đơn hàng mới. 

Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và giày da An Thịnh chia sẻ, sau giai đoạn giãn cách, công ty đã bắt đầu nhận được một số đơn hàng từ thị trường EU. Đây là kết quả tích cực mà Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) mang lại cho DN. Để có được các đơn hàng mới trong mùa dịch, DN đã thực hiện giao thương trực tuyến với đối tác ở khắp các nước để tìm thêm các đơn hàng ở phân khúc bình dân.

Chuyển đổi số trong các hoạt động giao thương nhằm tìm kiếm đơn hàng là các giải pháp mà DN XK, trong đó có Công ty TNHH sản xuất thương mại và giày da An Thịnh đang nỗ lực thực hiện để giảm bớt khó khăn khi dịch bệnh đang khiến các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều hạn chế. Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, để nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu mà không cần tổ chức giao thương trực tiếp.

Phân tích cụ thể hơn về chuyển đổi số, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, trước đây, các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế chủ yếu được tổ chức bằng cách mang hàng hóa tới các quốc gia khác và trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, phòng giới thiệu sản phẩm. Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp này có tỷ lệ chốt đơn hàng tương đối cao so với các hoạt động xúc tiến gián tiếp hoặc trực tuyến dù hoạt động này có chi phí khá cao với các yêu cầu về logistics.

Tuy nhiên, khi Covid-19 xảy ra, các đơn vị mới dần nghĩ tới việc dịch chuyển sang hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến. Khi so sánh giữa hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến, hình thức trực tuyến có thể được tổ chức liên tục với chi phí ngắn và có thể thực hiện trên đa dạng các nền tảng. Hình thức này loại bỏ ba hạn chế chính của hình thức trực tiếp gặp phải là về địa lý, về khả năng và số lượng tiếp cận, và cuối cùng là chi phí.
 
Theo Bộ Công thương, khi Hiệp định EVFTA được thực thi, DN Việt sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Do đó, nếu DN đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ có cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu.

Đây thực sự là thời điểm để DN nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Minh chứng cho những hiệu quả của chuyển đổi số, Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn, một doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cho biết, trước kia sản lượng xuất khẩu của DN chỉ chiếm 5-7%, nhưng từ khi đẩy mạnh phương thức xuất khẩu trực tuyến, năm 2019 sản lượng XK tăng lên 13%, năm nay phấn đấu đạt hơn 20%.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, việc phát triển và tham gia các nền tảng thương mại điện tử và ở cấp độ cao hơn là số hoá các hoạt động xuất nhập khẩu là cuộc cách mạng vĩ đại trong hoạt động kinh doanh quốc tế. “Việc ra đời của các nền tảng thương mại điện tử đã giúp các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có được cơ hội vươn ra thị trường thế giới và ngày càng bình đẳng với DN lớn trong nền thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường toàn cầu, khách hàng toàn cầu là cơ hội và là thách thức với cả các DN lớn và các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa”, ông Vũ Tiến Lộc chỉ ra.

Doanh nghiệp cần chủ động

Dù mang lại không ít lợi ích, song việc chuyển đổi số của DN hiện nay còn nhiều hạn chế. Ông Vũ Tiến Lộc chỉ rõ, có quan điểm cho rằng, đây là việc của các DN lớn và không nhìn nhận việc này cũng chính là yêu cầu đối với các DN nhỏ. Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn không ít DN rất thờ ơ với kỹ thuật số. Tư duy “sợ mất mát, ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của DN.

Để tận dụng những cơ hội từ chuyển đổi số, theo ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, các DN cần khai thác nền tảng số một cách chủ động, trong đó chú trọng vào việc phát triển website, mạng xã hội… nhằm tương tác với khách hàng, qua đó tiếp cận và phát triển thị trường.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, các DN cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về các hiệp định thương mại tự do và các xu hướng, mô hình chuyển đổi số phù hợp. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. 

Nhằm hỗ trợ các DN đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Công thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trực tuyến. Bộ cũng đang thay đổi cách tiếp cận theo hướng không tham vọng có thể tạo ra được khung khổ pháp lý cho tất cả các loại hàng hóa, thương mại nói chung mà sẽ bắt đầu từ những mặt hàng cụ thể đang có lợi thế, sau đó điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thị trường. Bộ Công thương cũng cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ bốn hơn nữa, tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.

Chuyển đổi số thúc đẩy xuất khẩu trong mùa dịch -0
Việc chuyển đổi số giúp hỗ trợ doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu. 
HÀ ANH
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn