Đầu tư lưới điện thông minh: Giải pháp cấp bách để phát triển năng lượng tái tạo

49280

Việc đầu tư lưới điện thông minh không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của năng lượng tái tạo mà còn giúp kiểm soát và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về Đề án Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 146.000MW, cao hơn mức 125.000 – 130.000 MW nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hệ thống điện phân tán, hạ tầng lưới điện chưa đảm bảo

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hiện nay tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống của nước ta đạt 78.000 MW. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là gần 21.000 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt và 11% lượng điện thương phẩm.

Về lưới điện truyền tải, Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về lưới điện 500 kv và 220 kv, đứng thứ 2 sau Thái Lan về lưới 110 kv. Tuy nhiên, cũng như các nước trên thế giới, hiện nay ngành điện Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức. Thứ nhất là hệ thống điện phân tán, thứ 2 là về lưới điện và cuối cùng là chuyển đổi số toàn ngành điện. Quy hoạch điện VIII cũng đã đặt ra vấn đề lớn về đa dạng nguồn điện, đặc biệt là mở rộng điện năng lượng tái tạo.

Trong giai đoạn 2016 – 2019, ngành điện tăng trưởng bình quận 9%/năm. Trong 2 năm 2020, 2021 do tác động của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng ngành điện giảm xuống còn khoảng gần 3,5%. Tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm 2022, ngành điện đã tăng trưởng 7%, gấp đôi so với năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, mức tăng trưởng này sẽ đạt 8%, và trong giai đoạn 2023 – 2025 mức tăng trưởng sẽ lớn hơn nữa.

“Chúng ta có 78.000 MW điện, trong đó EVN giữ 51% còn lại là do các nhà đầu tư tư nhân thực hiện. Khi nhìn lại sự phát triển của ngành điện thời gian qua, chúng ta thấy xu hướng nhà máy điện ảo và mô hình năng lượng phân tán đã xuất hiện và phát triển mạnh. Cụ thể, tính đến nay, chúng ta có hơn 100.000 dự án điện mặt trời được lắp đặt và gần 2.000 trụ điện gió”, ông Võ Quang Lâm thông tin.

Vào năm 2020, hơn 100.000 công trình năng lượng mặt trời trên mái nhà được lắp đặt và ít nhất 15 nhà máy năng lượng mặt trời đã được kết nối vào lưới điện. Năm 2021, có ít nhất 84 nhà máy điện gió đi vào hoạt động. Hầu hết các dự án này đều tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam và vượt quá khả năng hòa lưới điện cho các dự án này.

Đầu tư lưới điện thông minh: Giải pháp cấp bách để phát triển năng lượng tái tạo
Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo phần nào gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành lưới điện quốc gia

Ông Chandan – Giám đốc Hitachi Enery Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam hiện nay, năng lượng tái tạo đang phát triển rất nhanh, tuy nhiên vấn đề lưới điện hiện nay chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu phát triển của năng lượng tái tạo. Với thực trạng hạ tầng và sự phát triển năng lượng tái tạo như hiện nay, giải pháp cấp bách trong xây dựng hạ tầng lưới điện để giải tỏa năng lượng tái tạo là điều cốt yếu.

Ứng dụng công nghệ để tiết kiệm điện

Theo ông Đoàn Văn Hiển, Phó Tổng giám đốc Công ty ABB, cùng với việc phát triển năng lượng tái tạo thì việc thực hiện lưới điện thông minh để tiết kiệm năng lượng cũng vô cùng quan trọng. Để làm điều này cần phải số hóa trong tất cả các ngành.

Đồng quan điểm, ông Denis Brunetti, chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Campuchia và Malaysia, cho biết, từ nưm 2016 đến nay, công ty đã ứng dụng công nghệ 4G vào quá trình vận hành. Điều này giúp giảm 35% lượng điện tiêu thụ. “Công nghệ càng cao, hiệu quả sẽ càng cao thì mức tiêu thụ điện sẽ ngày càng được tiết giảm”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.

Nói về phương án sử dụng thiết bị lưu trữ nguồn điện, ông Đoàn Văn Hiển cho rằng, hiện nay một số nước trên thế giới đã thực hiện. Tại Châu Á – Thái Bình Dương Singapore và Úc cũng đã thực hiện. Tuy nhiên, mức chi phí lắp đặt những thiết bị này khá lớn, do đó nó phụ thuộc và mức đầu tư và tầm nhìn dài hạn của các nhà đầu tư. “Nếu tầm nhìn của nhà máy là 15 năm, 20 năm thì suất đầu tư ban đầu sẽ không phải là lớn, nhưng nếu tầm nhìn chỉ 5 năm thôi thì chúng ta chỉ nên đầu tư và điện mặt trời”, ông Đoàn Văn Hiển phân tích.

Nguồn: Báo Công Thương (07/06/2022)

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn