Quy định quản lý xuất nhập khẩu tại Canada

31639

Canada có Luật cấp phép xuất nhập khẩu trong đó có danh mục hàng hóa quốc phòng và mang tính chiến lược chịu sự kiểm soát. Cục Kiểm soát Thương mại và Rào cản Kỹ thuật là cơ quan quản lý, đưa ra các qui định chung về thủ tục xin giấy phép xuất nhập khẩu đối với các loại mặt hàng nằm trong danh mục kiểm soát xuất nhập khẩu.

Giấy phép xuất nhập khẩu được thực hiện trên có sở thu phí, danh sách phân bố hạn ngạch và lượng hạn ngạch sử dụng được công bố công khai (theo tháng, năm).

1. Các biện pháp quản lý nhập khẩu

1.1. Cấm nhập khẩu

Canada cấm nhập khẩu một số mặt hàng: ấn phẩm, phim ảnh văn hóa đồi trụy, tiền giả (tiền giấy, tiền xu), hàng hóa do tù nhân sản xuất, đệm, chiếu đã qua sử dụng, hàng giả về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu, phương tiện đã qua sử dụng 15 năm [1]… Tất cả nhóm hàng cấm nhập khẩu được liệt kê theo mã HS 9897.00.00

1.2. Sản phẩm nông nghiệp: hiện Canada đang áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số sản phẩm nông nghiệp theo cam kết WTO hoặc cam kết trong các hiệp định thương mại tự do[2].

– Hạn ngạch thuế quan WTO áp dụng đối với các sản phẩm:

  • Thịt bò, thịt bê.
  • Lúa mỳ, lúa mạch và sản phẩm lúa mỳ, lúa mạch.
  • Sản phẩm sữa, trứng, thịt gia cầm theo danh mục quản lý nguồn cung, áp dụng hạn ngạch thuế quan.

– Hạn ngạch thuế quan theo cam kết hiệp định thương mại tự do với EU áp dụng với các nhóm hàng sau:

+ Hạn ngạch thuế quan theo xuất xứ hàng hóa.

  • Thức ăn cho chó, mèo.
  • Thủy sản.
  • Sản phẩm chứa nhiều đường.
  • Thực phẩm chế biến.
  • Bánh kẹo, chế phẩm socola.

+ Hạn ngạch thuế quan đối với nhóm hàng quản lý nguồn cung: sản phẩm trứng, sữa, thịt gia cầm.

– Hạn ngạch thuế quan theo hiệp định CPTPP áp dụng với nhóm hàng thuộc danh mục quản lý nguồn cung của Canada, sữa, trứng, thịt gà các sản phẩm của nhóm hàng này. Có thể tra cứu thông tin về hạn ngạch, mức thuế áp dụng đối với nhóm hàng quản lý nguồn cung[3].

1.3. Sản phẩm dệt may: Canada áp dụng hạn ngạch thuế quan theo xuất xứ hàng hóa đối với một số hàng dệt may trong khuôn khổi hiệp định thương mại tự do giữa Canada với các nước và khu vực, bao gồm hạn ngạch xuất khẩu và hạn ngạch nhập khẩu[4]:

– Liên minh Châu Âu.

– Khối Bắc Mỹ: Canada, Hoa Kỳ, Mexico.

– Chi lê.

– Honduras.

1.4. Thép: Canada áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số nhóm hàng thép theo hạn ngạch thuế quan, gồm: dây thép không gỉ và thép tấm hạng nặng từ ngày 13 tháng 5 năm 2019 đến 24 tháng 10 năm 2021.

Việt Nam là nước đang phát triển, được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập của WTO nên không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp tự vệ thép.

Ngoài ra, mặt hàng thép nói chung thuộc danh mục quản lý nhập khẩu của Canada. Theo đó, Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada có thể yêu cầu nhà nhập khẩu báo cáo chi tiết việc nhập khẩu thép để nhanh chóng xác định lỗi về số liệu nhậu khẩu và nguyên nhân làm chênh lệch số liệu. Nhờ đó, việc nhập khẩu thép được theo dõi thường xuyên, có căn cứ quyết định các biện pháp tự vệ hoặc theo dõi dòng lưu chuyển thương mại sau khi áp dụng các biện pháp tự vệ[5].

1.5. Nhôm:  Từ ngày 01 tháng 9 năm 2019, một số sản phẩm nhôm được bổ sung vào Danh mục Quản lý Nhập khẩu của Canada. Theo đó, nhà nhập khẩu phải khai báo mã số GIP83 khi làm thủ tục hải quan và khai báo thông tin chi tiết theo quy định để cơ quan quản lý theo dõi, thống kê số lượng nhập khẩu để có biện pháp kịp thời, phù hợp, bảo vệ sản xuất trong nước.

Số liệu nhập khẩu nhôm được đăng công khai trên website của Bộ các Vấn đề Toàn cầu theo tháng, nước xuất khẩu và cửa khẩu nhập khẩu[6].

2. Các biện pháp quản lý xuất khẩu

2.1. Kiểm soát xuất khẩu

Canada thực hiện chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với hàng quân sự, hàng lưỡng dụng, hàng hóa và công nghệ chiến lược và tất cả hàng hóa và công nghệ xuất xứ Hoa Kỳ theo cam kết tại các thỏa thuận song phương và cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa phương, cũng như các biện pháp xuất khẩu đơn phương.

Một số mặt hàng được Canada kiểm soát xuất khẩu vì lý do kinh tế theo các thỏa thuận quốc tế, như sản phẩm lâm nghiệp (gỗ xẻ, gỗ mềm) và một số sản phẩm nông sản (bơ lạc, đường và sản phẩm chứa đường) (ví dụ với Hoa Kỳ). Có thể tra cứu quy định cụ thể về kiểm soát xuất khẩu của Canada[7] [8].

Canada cấp giấy phép, giấy chứng nhận xuất khẩu cho một số sản phẩm nông nghiệp theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo các thỏa thuận quốc tế mà Canada tham gia.

2.2. Xuất nhập khẩu sản phẩm năng lượng

– Giấy phép xuất khẩu dầu thô và sản phẩm xăng dầu chế biến được cấp ngắn hạn, tối đa 1 – 2 năm.

– Giấy phép xuất khẩu điện có hiệu lực tới 10 năm

2.3. Xuất khẩu hàng hóa và công nghệ xuất xứ Hoa Kỳ sang một số nước

Xuất khẩu hàng hóa và công nghệ có xuất xứ từ Hoa Kỳ thuộc danh mục ECL 5400 sang các nước: Cuba, Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Iran và Syria phải có giấy phép do cơ quan chính phủ Canada cấp.

2.4. Xuất nhập khẩu vũ khí, hàng hóa quân sự

– Xuất nhập khẩu vũ khí: Canada cấm nhập khẩu một số loại vũ khí và quy định quy trình cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu vũ khí sang Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới theo các thỏa thuận quốc tế. Tham khảo thêm chính sách và thủ tục cấp phép xuất nhập khẩu vũ khí trên trang thông tin của Cơ quan Hải quan Canada.

– Hàng hóa và công nghệ chiến lược quân sự thuộc danh mục quản lý xuất khẩu của Canada, bao gồm hàng lưỡng dụng, vũ khí… Bộ các Vấn đề Toàn cầu là cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, theo quy trình và thủ tục được công bố.

[1] https://www.cbsa-asfc.gc.ca/publications/dm-md/d9-eng.html

[2] https://www.international.gc.ca/controls-controles/prod/agri/index.aspx?lang=eng

[3] https://www.international.gc.ca/trade-commerce/controls-controles/supply_managed-gestion_offre.aspx?lang=eng

[4] https://www.international.gc.ca/controls-controles/textiles/index.aspx?lang=eng

[5]https://www.international.gc.ca/trade-commerce/controls-controles/steel-acier/index.aspx?lang=eng

[6]https://www.international.gc.ca/controls-controles/aluminum-aluminium/index.aspx?lang=eng

[7] https://www.international.gc.ca/controls-controles/about-a_propos/expor/guide-2016.aspx?lang=eng

[8] https://www.international.gc.ca/controls-controles/about-a_propos/expor/guide-2015.aspx?lang=eng

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn