Thiếu nhân lực: Doanh nghiệp logistics khó vươn ra thị trường thế giới

19041

Theo dự báo của các chuyên gia, với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, logistics là một ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, để có thể khai thác hết những lợi thế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, cần phải giải tốt bài toán thiếu nguồn nhân lực trong ngành logistics.

Thừa cơ hội, thiếu cạnh tranh

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, Việt Nam hiện đang có những bước phát triển rất nhanh trong lĩnh vực logistics. Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2019, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 12-14%, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện vào khoảng 4.000 doanh nghiệp, bao gồm tất cả các doanh nghiệp logistics hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, giao nhận và các dịch vụ liên quan.

“Tiềm năng và cơ hội để ngành logistics Việt Nam phát triển trong thời gian tới là rất lớn. Sự phát triển của ngành logistics sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh với các trung tâm sản xuất trong khu vực và thế giới” – PGS.TS Nguyễn Thanh Chương khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành dịch vụ logistics. Thứ nhất, trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và việc ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do, mở ra cánh cửa giao thương ngày càng rộng lớn cho Việt Nam. Thứ hai, vị trí địa lý của Việt Nam rất thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á. Thứ ba, cơ sở hạ tầng logistics như kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không… đang không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, dù có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng thách thức trong ngành logistics cũng không hề nhỏ. Những thách thức lớn nhất của ngành logistics Việt Nam hiện nay chính là tính kết nối của cơ sở hạ tầng logistics còn bất cập; quy mô vốn, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn còn hạn chế; các loại chi phí bất hợp lý tác động đến hoạt động logistics còn cao.

Đặc biệt, nguồn nhân lực đang được xem là một nguyên nhân chính gây cản trở năng lực cạnh tranh, hạn chế phát triển của doanh nghiệp logistics Việt Nam. 90% doanh nghiệp dịch vụ logistics là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng nhân viên ít, nhưng quan trọng hơn nữa là thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, có tính chuyên nghiệp và kỷ luật, đáp ứng được yêu cầu giao dịch lớn và nhanh chóng trong ngành. Do vậy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay vẫn chỉ hoạt động chủ yếu ở thị trường trong nước, khó vươn ra thị trường thế giới, thậm chí khó cạnh tranh với doanh nghiệp logistics nước ngoài ngay tại thị trường trong nước.

Tháo gỡ điểm nghẽn về nhân lực

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), từ nay đến năm 2030, chúng ta sẽ cần đến khoảng 250.000 nhân sự thuộc các công ty cung cấp dịch vụ logistics để đáp ứng yêu cầu làm việc trong và ngoài nước, nhất là Cộng đồng ASEAN. Đây là một con số rất lớn, cho thấy khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn là việc tìm kiếm nhân sự chất lượng cao về cả kỹ năng, kiến thức chuyên môn đến trình độ tiếng Anh.

Để tháo gỡ điểm nghẽn về nhân lực cho ngành logistics, chúng ta cần triển khai ngay một số việc. Trước hết, cần có một chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, các tổ chức đẩy mạnh công tác đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành. Trong đó, việc chuẩn hóa mã ngành đào tạo, xây dựng chương trình chuẩn, đẩy mạnh đào tạo và chuyển đổi giảng viên đào tạo về logistics là những bước đầu tiên cần làm ngay.

thieu nhan luc doanh nghiep logistics kho vuon ra thi truong the gioi
Vòng Chung kết cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2019

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về ngành nghề logistics. Nhiều em sinh viên và cả phụ huynh chưa biết đến ngành nghề này, hoặc biết nhưng chưa hiểu rõ nên băn khoăn khi lựa chọn nghề nghiệp, đăng ký tuyển sinh. Các hình thức tuyên truyền cần đa dạng, thiết thực và gần gũi với thanh niên, giới trẻ để qua đó thu hút được đông đảo các em sinh viên đăng ký tham gia học về ngành này tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho hay, cùng với một số trường đại học, cao đẳng khác, Trường đại học Giao thông vận tải đã tham gia sáng lập Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam, tập hợp các trường, các đơn vị đào tạo nhân lực logistics để cùng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hoạt động chung. Một trong những hoạt động của Mạng lưới nhằm nâng cao nhận thức là việc tổ chức các hoạt động hướng tới sinh viên như tọa đàm “Khởi nghiệp cùng Logistics”, Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics.

Đáng chú ý, được tổ chức từ năm 2018 với sự hỗ trợ của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Cuộc thi Tài năng Trẻ Logistics Việt Nam (Viet Nam Young Logistics Talents) đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của những bạn trẻ có niềm đam mê với logistics. Sứ mệnh của cuộc thi là không chỉ tìm ra những “hạt giống” mới cho thế hệ nhân tài của logistics Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc phát triển lĩnh vực logistics với nền kinh tế đất nước.

Năm 2020, với bối cảnh tăng trưởng nhanh chóng của ngành logistics, khi nhiều trường đại học, cao đẳng lựa chọn đây là một chuyên ngành đào tạo chính quy, số lượng đội thi trong Cuộc thi Tài năng Trẻ Logistics Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể so với mùa trước. Đồng thời, nội dung các vòng thi được Ban tổ chức phát triển để phù hợp với những xu hướng hiện nay của thị trường logistics Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Đồng hành cùng cuộc thi năm nay là những doanh nghiệp có uy tín trong ngành logistics như U&I Logistics, CMU Logistics, Delta International, Hyundai Air Conditioner…

Quỳnh Nga

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn