Diễn đàn “Hợp tác để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối trong bối cảnh mới”

108209

Ngày 6/12/2022, tại Toronto đã diễn ra Diễn đàn “Hợp tác để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối trong bối cảnh mới”. Diễn đàn do Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Canada phối hợp với Hội đồng kinh doanh Việt Nam-Canada đồng tổ chức. Diễn đàn nhận được sự tham gia và bảo trợ từ đông đảo các cơ quan tổ chức của Canada và của tỉnh bang Toronto: Bộ Ngoại giao Canada, Bộ kinh tế Ontario, Bộ Nông nghiệp Ontario, Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada, Cơ quan hỗ trợ xuất khẩu Canada, Quỹ châu Á-Thái Bình Dương, Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN, Liên đoàn may mặc Canada, Tổ chức phụ nữ và thương mại quốc tế và các Hiệp hội, Phòng kinh tế của các thành phố Toronto, Vaughan, Markham, Brampton, Vaughan…

Tại Diễn đàn, Ông Jean Charest, Chủ tịch danh dự Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN, nguyên Phó Thủ tướng Canada, nguyên Thủ tướng Quebec đã có bài phát biểu chính. Ông Charest đã tóm tắt các biến động địa chính trị quốc tế cũng như các biến động trong quan hệ song phương của Canada với các đối tác chính, từ đó khẳng định Canada cần mở rộng sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương, ở ASEAN, mà trong đó, Việt Nam là điểm đến quan trọng. Ông cũng phân tích tại sao Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lại cần thiết cho Canada, nhất là từ góc độ cơ hội kinh doanh, đầu tư và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Cùng là thành viên của CPTPP, Việt Nam là nước đầu tiên ở ASEAN mà các doanh nghiệp Canada cần nghĩ đến khi tìm các cơ hội về hạ tầng, đầu tư tài chính, năng lượng sạch, thương mại nông sản và thực phẩm…

Bà Trần Thu Quỳnh, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada đã có bài giới thiệu tổng quan các cơ chế hợp tác song phương và đa phương hiện có giữa Việt Nam và Canada trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đặc biệt là cơ chế hợp tác song phương mới được ký kết giữa hai nước: Uỷ ban kinh tế hỗn hợp. Bà Quỳnh đã giới thiệu sâu về năng lực của hệ thống vận tải biển, cảng biển, hạ tầng năng lượng và hạ tầng thông tin truyền thông của Việt Nam, từ đó khẳng định vị trí trung tâm của Việt Nam trong ASEAN và tính kết nối giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Canada. Sau khi đánh giá sơ bộ 5 năm tác động của CPTPP đến luồng đầu tư và thương mại của hai nước, bà Quỳnh cho rằng các cơ quan Nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của hai nước cần chung tay hợp tác, phối hợp nỗ lực và nguồn lực để giúp các doanh nghiệp nhận rõ các cơ hội, tận dụng các cơ chế hợp tác để nâng quy mô và đi ra thế giới. Bà Quỳnh nhấn mạnh tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế và cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần khai thác tốt hơn các cơ chế hợp tác hiện có để tối ưu hoá chiến lược mua hàng, chiến lược nhãn hiệu và chiến lược đầu tư, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng và sản xuất giữa hai nước.

Tại Diễn đàn, bà Julie Nguyễn, Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Canada-Việt Nam đã giới thiệu những dự án cụ thể trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh mà Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada vừa công bố, theo đó, việc thành lập Cánh cửa thương mại vào ASEAN, Văn phòng nông nghiệp và thương mại nông nghiệp Canada và khoản ngân sách của Chính phủ Canada dành cho các đoàn xúc tiến đầu tư kinh doanh của Canada sẽ là những cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp Canada có kế hoạch mở rộng hoạt động tại ASEAN và Việt Nam. Bà Nguyễn cũng chia sẻ những cơ chế hỗ trợ và phối hợp mà Hội đồng Kinh doanh Canada-Việt Nam có thể thực hiện cùng các cơ quan, Hiệp hội Canada nhằm giúp các doanh nghiệp Canada hiểu thêm về văn hoá kinh doanh, hệ thống luật lệ của Việt Nam để tiếp cận tốt hơn thị trường.

Đại diện Bộ Ngoại giao Canada (Trade Commissiomer Service-TCS) sau khi giới thiệu thêm về Hợp phần đầu tư, thương mại và phục hồi chuỗi cung ứng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada vừa công bố, đã chia sẻ về các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong Quỹ Can Export. Đại diện TCS cũng chia sẻ sự cần thiết phối hợp tổ chức các hoạt động phổ biến CPTPP và cách thức sử dụng CPTPP để tiếp cận thị trường đối với từng lĩnh vực ngành hàng cụ thể. Đại diện các Hiệp hội và Phòng kinh tế các thành phố đều cho rằng các hoạt động kết nối doanh nghiệp, tổ chức đoàn tìm hiểu thị trường, trao đổi đào tạo nhân lực và hội nghị hội thảo giữa hai nước là quan trọng và cần thực hiện thường xuyên, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như: công nghiệp thực phẩm, ICT, logistics,… Chủ tịch Liên đoàn may mặc Canada cho rằng cần có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mang tính chuyên sâu, theo lĩnh vực cụ thể và tốt nhất là theo mặt hàng. Quỹ châu Á-Thái Bình Dương và Tổ chức phụ nữ và thương mại quốc tế cho rằng, kết nối giữa doanh nghiệp nữ hai nước là một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng.

 

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn