Việt Nam có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

15452

Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%).

Kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng

Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ. Tình hình thời gian tới vẫn khó dự đoán bởi diễn biến dịch Covid-19 vẫn tương đối phức tạp. Tại Trung Quốc, dịch Covid-19 lại tiếp tục bùng phát, có thể có nguy cơ Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ giao thương biên mậu. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khó tránh khỏi nguy cơ dịch bùng phát lần 2; ở châu Âu, dịch cũng vẫn diễn biến phức tạp… Các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Cũng theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 ước tính giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 238,39 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD; Tương tự, kim ngạch nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 117,17 tỷ USD. 

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước. Mặc dù tăng khá mạnh trở lại trong hai tháng gần đây nhưng tính chung kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,2%). Trong đó, khu vực khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong 6 tháng đầu năm có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%), trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,5 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia EU, Hoa Kỳ, một số quốc gia ASEAN như Indonesia, Singapore. Dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng với các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch như cách ly xã hội có ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN giảm 14% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu sang thị trường EU giảm 8,8%; xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 2,3%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 sang các thị trường đều có tăng trưởng dương so với tháng 5, qua đó có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà hồi phục với lợi thế là quốc gia sớm kiểm soát tốt dịch bệnh.

Trong 6 tháng đầu năm có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu

Hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có tăng trưởng tốt, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; sang Hoa Kỳ đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang các thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng trưởng tích cực như: xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%.

Việt Nam nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ thị trường Trung Quốc 

Liên quan đến thị trường nhập khẩu, số liệu Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu hàng hóa giảm chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 65,62 tỷ USD. Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước có kim ngạch nhập khẩu đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 2019 với 51,55 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 88,4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 103,6 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong tháng 6/2020, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này có sự tăng trưởng trở lại khi tăng 12,2% so với tháng 5/2020.

Đáng chú ý, số liệu ước tính tháng 6/2020 cho thấy, nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất đang tăng khá mạnh trở lại trong tháng 6, điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang bắt đầu đẩy nhanh quá trình khôi phục. Những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh so với tháng 5/2020 có thể kể tới như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại; xơ, sợi dệt các loại…

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với giảm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, Việt Nam cũng giảm nhập khẩu hàng hóa từ thị trường ASEAN và Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020, với mức giảm lần lượt là 11,9% và 10%. Trái lại, nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và EU lần lượt tăng 7,2% và 8,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 7,4 tỷ USD và 7,1 tỷ USD. 

Yến Nhi

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn