Truy xuất nguồn gốc: Tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa

14631
Quyết định 1978/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển chuỗi giá trị bền vững cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đòi hỏi cấp thiết

Nhằm kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng lưu thông không rõ nguồn gốc xuất xứ, các vấn đề về an toàn thực phẩm; thúc đẩy minh bạch hóa thông tin sản phẩm lưu thông trên thị trường và đặc biệt tăng cường bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, các quốc gia đã xem truy xuất nguồn gốc là giải pháp để giải quyết vấn đề trên.

Bà Vũ Thị Nguyệt – cán bộ xuất khẩu Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thanh Hải (Lạng Sơn) – cho biết, công ty thường xuyên xuất khẩu hàng nông sản, hoa quả tươi theo mùa… sang Trung Quốc. Từ năm 2018, Trung Quốc đã đẩy mạnh kiểm tra truy xuất nguồn gốc, giấy tờ, tem mác, bao bì sản phẩm ngay tại cửa khẩu Tân Thanh. Cụ thể, trên thùng sản phẩm trái cây, phải ghi những thông tin gồm: Tên tổ chức xuất khẩu, chủng loại hoa quả, tên nhà vườn hoặc mã số vùng trồng, tên xưởng đóng gói hoặc mã số cơ sở đóng gói.

Đặc biệt, gần đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Để được hưởng ưu đãi từ hiệp định, doanh nghiệp trong nước phải vượt qua hàng rào kỹ thuật của thị trường châu Âu, một trong số đó chính là xuất xứ nguồn gốc.

Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho rằng, để nông sản xuất khẩu hiệu quả, cần đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa của nước nhập khẩu, nhất là đáp ứng các quy định về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đóng gói, bao bì… Để làm được việc đó, cần định hướng sản xuất, phải có những vùng sản xuất tập trung chuyên canh, đáp ứng đủ sản lượng và chất lượng theo đơn hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản cần đầu tư bài bản, hoàn thiện quy trình từ sản xuất tới tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm…

Lên kế hoạch hành động

Để thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1978/QĐ-BCT về Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Mục tiêu nhằm xác định, phân công, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả những nhiệm vụ của Bộ Công Thương tại Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Quyết định đã đề ra nhiệm vụ, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương; đề xuất Danh mục các nhóm sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền, phổ biến về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp tham gia thực hiện…

Các cục, vụ, tổng cục và cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm triển khai thực hiện những nội dung, nhiệm vụ của Quyết định 1978, đảm bảo tiến độ đề ra, định kỳ báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện.

Quỳnh Nga

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn