Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

24536
Việt Nam đang nắm trong tay “cơ hội vàng” chuẩn bị đón chờ làn sóng đầu tư FDI và bán lẻ không nằm ngoại lệ trước làn sóng đầu tư sắp tới.

10 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trở thành thị trường bán lẻ đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Với dự báo là thị trường sôi động nhất thế giới khiến làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục “đổ” vào thị trường bán lẻ Việt Nam và tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội địa. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh chiến lược mở rộng thị phần, khẳng định vị thế sân nhà, các doanh nghiệp bán lẻ cần có những đối sách phù hợp với sự chuyển mình của xu hướng bán lẻ cũng như thay đổi của người tiêu dùng.
*Thị trường tiềm năng
Bộ Công Thương cho biết, nếu như năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước chỉ ở mức 19,3 triệu đồng/người thì đến 2019 đã lên 51,2 triệu đồng/người, đóng góp xấp xỉ 8% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chính vì vậy, thị trường bản lẻ hiện đại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng trong năm nay. Do đó, thị trường bán lẻ vẫn còn rất tiềm năng để nhà đầu tư nước ngoài khai thác.
Báo cáo mới đây của một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã mở cửa đón sự xuất hiện của một số thương hiệu bán lẻ đình đám từ nước ngoài với nhiều chuỗi cửa hàng như Uniqlo, GG25… Dù vậy, có một vài thương hiệu lớn của Việt Nam phải tái cấu trúc hoặc rút lui khỏi thị trường.

Chẳng hạn như thương vụ mua bán và sáp nhập của Masan với chuỗi VinEco và VinCommerce, ngay sau đó Masan đã đóng của hàng trăm cửa hàng Vinmart+ và mở thêm khoảng vài chục siêu thị Vinmart mới. Cùng với đó, số siêu thị của năm 2020 đã giảm khoảng 20% từ 336 siêu thị xuống còn 30 siêu thị.
Ngược lại, số lượng cửa hàng tiện lợi lại có mức tăng đáng kể với 60% từ 2.495 cửa hàng lên 5.228 cửa hàng; trung tâm thương mại tăng 11% từ 96-107 trung tâm; cửa hàng nhỏ tăng 163- 170 cửa hàng; thuốc, mỹ phẩm tăng 30% từ 340-679 cửa hàng; siêu thị điện máy tăng 11% với 3.141 cửa hàng…
Dẫn đầu về quy mô cửa hàng mỗi lĩnh vực phải kể đến những cái tên quen thuộc như Vincom, Miniso, Phamacity, Thế giới di động, Điện máy xanh, Việt Tiến, Blue Exchange, Biti’s, Highland, The Coffee House; trong đó, có sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thương hiệu Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh… khi các doanh nghiệp này đồng loạt mở rộng quy mô, số lượng cửa hàng cho các thương hiệu con.
Đặc biệt, là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị thông minh cao, do đó ngành bán lẻ tại Việt Nam phát triển khá sôi động với các hình thức triển khai đa kênh, nhất là với sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã thúc đẩy sự sôi động của thị trường bán lẻ.
Không những thế, Việt Nam còn có nền chính trị ổn định, đang trên đà tăng trưởng và hội nhập với độ mở kinh tế cao, kiểm soát tốt dịch bệnh nên được coi là điểm sáng đầu tư tại khu vực ASEAN và châu Á cũng như điểm đến thu hút của cuộc dịch chuyển thị trường đầu tư.
Vì thế, theo giới phân tích Việt Nam đang nắm trong tay “cơ hội vàng” chuẩn bị đón chờ làn sóng đầu tư FDI và bán lẻ không nằm ngoại lệ trước làn sóng đầu tư sắp tới.

Theo Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ ngoại mạnh về công nghệ, quản trị nhưng mức độ am hiểu người tiêu dùng Việt lại không bằng doanh nghiệp nội. Thế nhưng, với một cuộc chiến của các đại gia vừa ngoại vừa nội, người tiêu dùng cũng sẽ là đối tượng được hưởng lợi.
Ông Trần Duy Đông-Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nguồn vốn FDI tiếp tục “đổ” vào ngành bán lẻ Việt Nam. Đáng lưu ý, thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới.
Ông Trần Duy Đông cũng chỉ ra việc các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như: Family Mart, K Mart, Lotte, Central Group, Aeon, Circle K… liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Dù vậy vẫn chỉ có một số ít nhà bán lẻ lớn như BRG Retail, Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra… được đánh giá có đủ năng lực để cạnh tranh và khẳng định vị thế do hầu hết doanh nghiệp khác nguồn lực còn hạn chế.
*Tạo thế vững chãi
Nhìn vào sự thăng trầm của các thương hiệu đình đám có thể thấy thị trường bán lẻ Việt Nam là “miếng bánh” đầy tiềm năng nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt được cơ hội chiếm lĩnh thị phần.
Ngoài yếu tố tiên quyết là lựa chọn được vị trí có mật độ dân số và sức mua tốt, sư thay đổi trong thói quen tiêu dùng, cũng như sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, đã khiến việc phát triển được một mô hình bán lẻ phù hợp với thị trường mục tiêu trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của một thương hiệu.
Do đó, việc rút khỏi thị trường của các thương hiệu lớn như Auchan, hay việc thu hẹp mạng lưới hoạt động của Parkson hay sự kiện hàng loạt các thương hiệu cửa hàng tiện lợi nước ngoài chật vật dành miếng bánh thị phần hoặc phải chuyển nhượng cho đối thủ nội địa như trường hợp Shop and Go cho thấy đây không phải là một sân chơi dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy- Phó Tổng giám đốc  VinCommerce (VCM) chia sẻ: Nhằm hướng tới lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam về các nhu yếu phẩm nên với mọi đối tác VCM đều ký kết minh bạch và có chính sách giám sát nhân viên, đảm bảo hợp tác dựa trên nền tảng tin cậy, liêm chính, công bằng và hai bên cùng có lợi.
VCM dự kiến phục vụ 300 triệu lượt khách hàng, doanh thu đạt 31.000 – 31.000 tỷ VNĐ trong năm 2020, tăng trưởng 25% so với năm 2019, tạo tiền đề cho việc mở rộng mạng lưới điểm bán mạnh mẽ trong năm 2021.
Hơn nữa, mục tiêu đến năm 2025, VCM sẽ sở hữu 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+ tại 63 tỉnh/thành với 10 triệu khách hàng thân thiết.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) khẳng định, năm 2020 đã định hình lại lối chơi của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với các thay đổi quan trọng. Chẳng hạn, như các doanh nghiệp bán lẻ phải tinh gọn và tinh chỉnh mô hình tại các thành phố lớn, mở rộng thị trường ra vùng nông thôn vì hiện vẫn còn khá mỏng và chưa được khai thác nhiều.
Ngoài ra, người tiêu dùng có xu hướng trải nghiệm mua sắm và yếu tố tiện lợi. Nếu các siêu thị không có gì mới, khách hàng sẽ chuyển sang chỗ khác, thâm chí chỗ đó đáp ứng tốt nhu cầu trải nghiệm mua sắm, người tiêu dùng sẽ không quay lại chỗ cũ nữa.
Nhận định về lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng phát triển thương mại vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Cụ thể, thương mại hàng hoá trong nước và số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng mang tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian.
Các biện pháp quản lý thị trường thông qua tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện kinh doanh chưa được thực hiện hiệu quả, gây bất lợi cho các chủ thể khác tham gia thị trường và bất lợi cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, hạ tầng thương mại có phát triển nhưng ở một số khu vực vẫn còn yếu kém và lạc hậu. Hạ tầng thương mại bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh… tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử nhìn chung thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối, thiếu dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics.

Để khắc phục những hạn chế trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các giải pháp như phát triển thương mại nội địa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa như tập trung phát triển thương mại nội địa.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục tập trung hỗ trợ hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối (cả FDI và doanh nghiệp nội địa), thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới (tiền điện tử) hỗ trợ tích cực cho hoạt động thương mại điện tử.
Đặc biệt, tới đây Bộ tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế và pháp luật về quản lý hoạt động thương mại điện tử để quản lý hoạt động mua bán qua mạng, tăng cường hoạt động kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường; tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và đẩy nhanh lưu thông hàng hóa của Việt Nam qua các hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài./.

By Uyên Hương
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn