EVFTA: Hiện thực hóa những kỳ vọng

12348

Sau gần 3 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, các cơ hội xuất khẩu (XK) hàng hóa vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã dần trở thành hiện thực, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Xuất khẩu sang EU tăng trưởng tích cực

Hiệp định EVFTA thực thi từ ngày 1/8/2020 đã mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam khi XK hàng hóa sang thị trường EU. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, việc thực thi EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng, giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, sau gần 3 tháng đi vào thực thi, XK sang EU đã tăng trưởng tích cực. Theo đó, tháng 8/2020, kim ngạch XK sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Sang tháng 9, kim ngạch XK sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 12/10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra, các DN XK hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 gồm giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Tiêu biểu như giày dép có giá trị được cấp C/O sau 2 tháng (tháng 8 và 9) đạt gần 391 triệu USD; thủy sản đạt hơn 183 triệu USD; nhựa và sản phẩm nhựa đạt hơn 49 triệu USD; sản phẩm dệt may đạt hơn 27 triệu USD…

So với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác của Việt Nam mới có hiệu lực và đi vào thực thi trong thời gian gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa ASEAN và Hongkong, FTA giữa Việt Nam và Cuba… thì số lượng C/O mẫu EUR.1 cấp trong thời gian đầu EVFTA có hiệu lực lớn hơn nhiều. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch XK trong tháng 8/2020 đạt 8,64% và tăng lên 14,65% vào cuối tháng 9/2020. Có thể nói, EVFTA có hiệu lực đã có tác động rất kịp thời, giúp cho các DN Việt Nam tìm được đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) – đánh giá, kết quả thực thi EVFTA trong 2 tháng đầu tiên được xem là chỉ dấu để các DN nhìn vào đó tự tin hơn, để triển khai tận dụng các cam kết trong FTA này hiệu quả hơn, đặc biệt, các DN nhanh chân tận dụng cơ hội XK sang thị trường Anh trong những tháng cuối năm, bởi thị trường này cho hàng Việt hưởng ưu đãi theo cam kết EVFTA đến hết năm 2020.

Hiểu các cam kết để khai thác EVFTA hiệu quả

Mặc dù những kết quả ban đầu là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, Hiệp định vẫn còn rất mới mẻ với đa số DN. Bởi EVFTA là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao điển hình. Đây là hiệp định đầu tiên với đối tác chưa từng có FTA với Việt Nam trước đây, đối tác có nguồn công nghệ hàng đầu thế giới và là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam, thị trường có sức mua lớn thứ 2 thế giới và các nhà đầu tư FDI lớn nhất thế giới. Vì vậy, EU có những quy định rất khắt khe.

Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam – cho rằng, muốn khai thác, tận dụng hiệu quả EVFTA, chúng ta phải bình tĩnh, không nên quá vội vàng mà buộc DN phải nghiên cứu kỹ thị trường, chuẩn bị cặn kẽ các nguồn lực, sản xuất các hàng hóa chất lượng. Đặc biệt, cần quan tâm đến quy tắc xuất xứ, lao động, an toàn, môi trường, văn hóa tiêu dùng của EU.

Muốn“mang chuông đi đánh xứ người” thành công trước hết chúng ta phải tự tin về sản phẩm của mình, không nên đánh mất thương hiệu, gây tổn hại đến ngành sản xuất trong nước”- ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Việt Nam thực thi EVFTA không chỉ đơn thuần là xuất con tôm, xuất được mấy cân gạo. Quan trọng là, chúng ta kết nối được với một khu vực có hàm lượng công nghệ cao, có tri thức, có cách làm ăn bài bản. Vì vậy, nếu DN không tự mình nâng tầm lên, đưa sản phẩm với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì sẽ không thể bước vào cuộc chơi và hưởng lợi từ nó.

Để hiện thực hóa cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, các DN cần hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết EVFTA, từ đó mới có thể hành động, chuẩn bị tận dụng các cam kết một cách phù hợp.

Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự tuyên truyền sâu rộng đến DN; hỗ trợ tìm kiếm cơ hội và tiến tới mở rộng XK theo EVFTA. Cụ thể, tập trung theo từng chủ đề, lĩnh vực hoặc các nhóm nội dung cụ thể để bảo đảm yêu cầu. Vấn đề là, phải làm cho DN Việt Nam hiểu rõ họ được lợi gì từ EVFTA…”- ông Andreas Stoffers – Giám đốc Viện Friedrich Naumann Foudation for Freedom tại Việt Nam – nhấn mạnh.

Nông sản là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA, sau 1 tháng triển khai, kim ngạch và giá thành nhiều mặt hàng nông sản XK sang EU đã tăng mạnh.

Thu Phương – Hoa Quỳnh

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn