Đối thoại doanh nghiệp Canada-Việt Nam

64411

Để triển khai kết quả Đoàn Doanh nghiệp Canada vào Việt Nam (TCTM) vào Việt Nam tháng 3/2024, ngày 30/5 tại Toronto, Thương vụ Việt Nam tại Canada đã phối hợp với Hội đồng thương mại Canada-Việt Nam và các đối tác Bộ Ngoại giao Canada (Cơ quan dịch vụ Uỷ viên thương mại TCS văn phòng Ontario, Tổng lãnh sự quán Canada tại TP. Hồ Chí Minh), Cơ quan xúc tiến xuất khẩu Canada (EDC), Quỹ châu Á-Thái Bình Dương, Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN (CABC) cùng tổ chức “Đối thoại doanh nghiệp Canada-Việt Nam: Tạo dựng và thực hiện các cơ hội cùng nhau”. Hội thảo đã thu hút được trên 50 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 50 đại biểu tham dự online.

Mục tiêu của cuộc Đối thoại doanh nghiệp này là để lắng nghe các ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp và Hiệp hội đã tham gia TCTM vào Việt Nam về những dự án sẽ thực hiện, những mong muốn hỗ trợ trong các bước đi tiếp theo và cà những đánh gía về thị trường từ góc độ cơ hội và thách thức để các doanh nghiệp chưa có điều kiện tham gia TCTM cũng có những hiểu biết thêm về Việt Nam. Cuộc đối thoại cũng là cơ hội cho các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp của hai nước (Chính phủ, Hiệp hội…) lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp và có những đề xuất chính sách, cơ chế hỗ trợ mới, kịp thời đáp ứng được các nhu cầu.

Tại buổi đối thoại, Thương vụ Việt Nam đã thông tin nhanh về những kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm trong quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước; theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Canada vào Việt Nam đã tăng 27% và của Việt Nam vào Canada đã tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là từ đầu năm, đến nay đã có 23 dự án đầu tư đăng ký mới hoặc thông qua M&A của Canada tại Việt Nam, tăng 1064% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù quy mô của các dự án không hẳn là lớn, nhưng đã chứng tỏ được sự quan tâm của các SMEs lựa chọn vào thị trường Việt Nam. Thương vụ khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Canada vì ngoài hạ tầng tốt, nền chính trị ổn định, luật pháp minh bạch, tăng trưởng kinh tế cao và thị trường hơn 100 triệu dân, Việt Nam còn là cửa ngõ để các doanh nghiệp Canada vào khu vực. Nhờ mạng lới các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác để tối ưu hoá chiến lược mua hàng, chiến lược đầu tư và chiến lược logistics. Bên cạnh đó, kết quả của kỳ họp của Uỷ ban hỗn hợp vừa qua đã mở ra nhiều triển vọng mới cho sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs, các doanh nghiệp nữ làm chủ.

Cùng chung quan điểm, Tổng lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài nhấn mạnh các tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước và cam kết giữa hai bên về việc cùng thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng. Bà Uỷ viên thương mại cấp cao cùa Canada đã cho biết, trong thời gian qua, sự quan tâm của Canada đối với thị trường Việt Nam ngày càng tăng, không chỉ ở số lượng tham gia TCTM lần này mà hàng loạt các phái đoàn của lãnh đạo tỉnh bang và các Hiệp hội doanh nghiệp Canada đã tới Việt Nam. Các lĩnh vực có nhiều tiềm năng để hợp tác giữa hai nước tiếp tục là ngành công nghiệp thực phẩm, giáo dục, khoa học đời sống, ICT và cả những lĩnh vực mới nổi như hàng không, giao thông vận tải, hạ tầng và đặc biệt là chuyển đổi năng lượng. Thời gian qua, Chính phủ Canada và các tỉnh bang đã liên tục bổ sung biên chế và lập mới các văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp ở Việt Nam. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước được xây dựng và củng cố trên sự trân trọng lẫn nhau, các mục tiêu chung, được sự bổ trợ của các đối tác phi chính phủ, các Hiệp hội và mạng lưới các trường Đại học và viện nghiên cứu. Tương lai kết nối hàng không trực tiếp giữa hai nước và sự có mặt của các định chế đầu tư và tài chính Canada sẽ còn mở ra thêm nhiều triển vọng mới.

Từ góc độ Hiệp hội, Phó Chủ tịch Quỹ châu Á Thái Bình Dương đã chia sẻ những cảm nhận sau 23 năm mới quay trở lại Việt Nam. Khẳng định sự tăng trưởng và thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam, bà đồng thời khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, sự đóng góp của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn và sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Nhờ mức sống cao hơn, Việt Nam bắt đầu quan tâm mạnh đến môi trường và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, các doanh nghiệp tham gia TCTM đều nhận định tiềm năng của thị trường rất lớn đối với công nghiệp thực phẩm, các ngành công nghệ sạch và y sinh, cũng như là các giải pháp quản trị môi trường và xã hội tại doanh nghiệp. Việc Quỹ châu Á Thái Bình Dương đặt trọng tâm vào Việt Nam là do tầm quan trọng của quy mô nền kinh tế và khả năng tiêu thụ, nhưng đồng thời cũng là do sự đánh giá cao về vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vị trí địa chính trị, mạng lưới Hiệp định thương mại tự do và chất lượng nguồn nhân lực.

Giám đốc điều hành của CABC cũng đánh giá cao kết quả của đoàn TCTM và cho biết các thành viên trong Hiệp hội đều nhận định tích cực về các tiềm năng ở thị trường. Bà cũng cảm ơn cơ hội Chính phủ hai nước dành cho các doanh nghiệp của hai nước được tham dự Uỷ ban hỗn hợp để cùng xác định những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp song hành với những trọng tâm hợp tác mới giữa hai Chính phủ. Bà cũng chia sẻ các hoạt động mà CABC đã tổ chức cho các thành viên của mình bên lề TCTM. Phát biểu tại Hội thảo, giám đốc phát triển hạ tẩng, Tổng công ty bảo lãnh vốn nhà nước của Canada cũng chia sẻ những ấn tượng tốt về chuyến đi Việt Nam trong khuôn khổ TCTM. Ông tin tưởng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Canada vào làm ăn kinh doanh tại Việt Nam và thông tin về cơ chế bảo lãnh hợp đồng giữa Chính phủ cho các dự án hạ tầng. Cơ chế này đặt biệt hữu ích cho các dự án đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng có giá trị lớn, bao gồm cả các dự án hạ tầng năng lượng nhờ khả năng đảm bảo chất lượng hợp đồng, thu hút vốn đầu tư, dễ dàng mua sắm công…Các doanh nghiệp cũng được tiếp cận nguồn vốn vay với các điều kiện ưu đãi hơn.

Trong phần Đối thoai, các doanh nghiệp tham gia còn có cơ hội được nghe về các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp của Uỷ viên thương mại TCS văn phòng Ontario, Cơ quan xúc tiến xuất khẩu Canada (EDC), Quỹ châu Á-Thái Bình Dương, của Invest Global và của Thương vụ. Là những cơ quan có định chế khác nhau, tuy nhiên, các cơ quan này đều có chung mục đích giúp doanh nghiệp hai nước làm ăn, kinh doanh dễ dàng hơn và an toàn hơn. Các đại biểu đã cùng chia sẻ những bài học thành công và những lời khuyên để các doanh nghiệp có thể mạnh dạn vươn ra thị trường nước ngoài. Ban tổ chức cũng mời đến 2 doanh nghiệp Canada đã làm ăn kinh doanh với Việt Nam (một doanh nghiệp đầu tư, một doanh nghiệp thương mại). Cả hai đều đánh giá tích  cực về các cơ hội ở Việt Nam và cũng đã có chia sẻ về những bài học trong con đường mở rộng làm ăn kinh doanh.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn