Công nghệ hiện đại: Yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm

13661
Trong thời điểm hội nhập toàn cầu, việc đầu tư nguồn lực, đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại… là yếu tố quyết định để doanh nghiệp (DN) cũng như hàng hóa Việt nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường.    

Tín hiệu mừng

Thời gian qua, ngày càng nhiều DN đầu tư cho công nghệ cũng như áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tiêu biểu, sản phẩm của Công ty TNHH chế biến Dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) được kiểm soát chất lượng chặt chẽ bằng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, (giúp DN kiểm soát giới hạn các mối nguy mang lại trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm của đơn vị), ISO 22000 (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm), BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm), HALAL (chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/dịch vụ có trách nhiệm)…

Thành lập năm 1997, Lương Quới bắt đầu hành trình gia tăng giá trị cho trái dừa bằng những sản phẩm khác biệt như: Cơm dừa nạo sấy, dầu dừa tinh khiết, dầu dừa nguyên chất, dầu dừa tinh luyện, nước cốt dừa đóng lon, dừa sấy giòn… Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đến hơn 30 nước với thương hiệu Vietcoco hoặc xuất khẩu trực tiếp cho các khách hàng nổi tiếng trên thế giới.

Việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Sản xuất thép Việt Đức (Vĩnh Phúc). Vì vậy, công ty đã tối ưu hóa năng lực sáng tạo, cải tiến công nghệ. Dây chuyền công nghệ sản xuất thép Việt Đức đã được đầu tư đồng bộ mới 100%, hiện đại và tiên tiến bậc nhất tại Việt Nam hiện nay. Đây cũng đồng thời là dây chuyền duy nhất tại Việt Nam trang bị máy cắt phôi nhằm tiết giảm nhân công, thời gian, tiêu hao và chi phí trong quá trình sản xuất.

Một ví dụ khác, Công ty TNHH Sản xuất thương mại in Minh Mẫn (TP. Hồ Chí Minh), để có thể tham gia chuỗi cung ứng của Samsung nói riêng và các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối nói chung, công ty phải cải tiến quy trình sản xuất, giảm 72% tỷ lệ lỗi ở đầu khách hàng, giảm đáng kể giá trị tồn kho vật tư.

Yếu tố quyết định thành công

Có thể thấy, nâng chất hàng Việt là yếu tố quyết định để DN có thể phát triển bền vững. Đặc biệt, với những DN xuất khẩu trực tiếp vào thị trường khó tính thì những tiêu chuẩn về quy mô, công nghệ sản xuất, quy trình vận chuyển, chất lượng sản phẩm… còn khắt khe hơn nhiều.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – cho biết, các quốc gia trên thế giới luôn có yêu cầu cụ thể về chất lượng sản phẩm thông qua quy định áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ, hiệp hội bán lẻ còn công bố các tiêu chuẩn riêng nhằm tạo ra những công cụ kỹ thuật quan trọng để quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên thị trường tại nhiều nước công nghiệp phát triển.

Theo đó, DN cần nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, DN cần đầu tư nguồn lực, nâng cao trang thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ, điều kiện môi trường sản xuất. Thậm chí thay đổi phương thức quản lý, nâng cao trình độ của cán bộ, công nhân viên.

Để DN đáp ứng được các tiêu chuẩn hội nhập cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp DN tiếp cận, chứng minh được một cách dễ dàng hơn, với mục tiêu chung là đưa sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt hơn, để người tiêu dùng trong nước và thế giới cùng đón nhận.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về năng suất chất lượng giai đoạn 2020-2030. Trong đó, hỗ trợ DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp đặc biệt ưu tiên đến hàng hóa xuất khẩu chủ lực.

 

Quỳnh Nga

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn