Cạnh tranh ngành sữa, thịt lợn sẽ tăng cao sau EVFTA

15483

“Với EVFTA, người chăn nuôi sẽ phải hy sinh lợi ích cho các công nhân dệt may, da giày”, bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận định.

Theo bà Phạm Châu Giang, trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa từ EU, các sản phẩm điện tử, ôtô, dược phẩm chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hàng hóa Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh nên không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, câu chuyện với 2 mặt hàng còn lại trong top 5 là sữa và thực phẩm chăn nuôi lại không giống như vậy. Bà đánh giá các doanh nghiệp như Vinamilk , TH Milk, NutiFood hiện có đủ khả năng cung ứng sản phẩm chất lượng với giá thành tốt cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, khi sữa ngoại được hưởng thuế nhập khẩu 0% theo lộ trình 3-5 năm, ngành sữa Việt Nam sẽ đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt.

Trong khi đó, các mặt hàng thịt lợn đông lạnh mất 7 năm, thịt lợn khác mất 9 năm để được ưu đãi thuế nhập khẩu 0%. Trong quá trình đó, bà cho rằng ngành chăn nuôi phải nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất để “thắng trên sân nhà”, không để lặp lại tình trạng gà đông lạnh gây khó khăn cho chăn nuôi trong nước như 2 năm trở lại đây.

“Chúng ta phải chấp nhận mở cửa để các ngành nghề khác được hưởng lợi. Thế thì với EVFTA, những người chăn nuôi sẽ phải hy sinh lợi ích cho các công nhân dệt may, da giày. Bởi vậy, chúng ta phải có giải pháp bảo vệ họ”, bà Giang khẳng định.

Theo bà, việc áp dụng hàng rào kỹ thuật là một biện pháp hiệu quả để phòng vệ thương mại (PVTM) trong trường hợp này. Khi đó, Việt Nam có thể áp dụng một số tiêu chuẩn chất lượng nhất định đối với thực phẩm chăn nuôi và sữa nhập khẩu vào Việt Nam, trên cơ sở hàng hóa nội địa có thể đáp ứng được.

Ở chiều ngược lại, đây cũng là những mặt hàng có mức độ nhạy cảm cao đối với EU, bởi đây là nền kinh tế đứng đầu thế giới về trợ cấp nông nghiệp. “Bất kỳ mặt hàng nào nhập khẩu vào EU mà có thể gây thiệt hại cho nông dân EU sẽ bị áp dụng PVTM” bà cho biết.

Mặc dù các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam hiện xuất khẩu sang EU không phải là thế mạnh của khu vực này, nhưng với định hướng giảm xuất thô, tăng xuất tinh, bà Giang khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cần thận trọng với các biện pháp PVTM từ phía EU.

Tương tự, giày dép, dệt may, thép, gỗ, xe đạp và phụ tùng xe đạp cũng là những ngành nghề cần cẩn trọng.

Đại diện Cục PVTM cho biết tính đến ngày 21/8, Việt Nam phải ứng phó với 96 vụ kiện chống bán phá giá, 20 vụ kiện chống trợ cấp, 22 vụ kiện tự vệ và 33 vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu.

Trong khi đó, nước ta mới khởi kiện 11 vụ chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp, 6 vụ tự vệ và 1 vụ chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu được cho là mức độ hiểu biết của doanh nghiệp trong nước về các biện pháp này chưa cao.

Tuy nhiên, cơ quan này ghi nhận số lượng hồ sơ trình lên hiện ở mức cao, dự kiến trong năm nay sẽ xử lý nhiều vụ việc hơn để bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp.

Với việc áp dụng các biện pháp PVTM trong thời gian qua, Bộ Công Thương tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Riêng hiệu quả các vụ việc trong năm 2019 đã đóng góp trên 6% tổng GDP và bảo vệ gần 120.000 lao động.

Theo Zing

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn