Các cam kết của Việt Nam trong một số lĩnh vực chính của Hiệp định CPTPP

23970

Cắt giảm thuế nhập khẩu

Các thành viên CPTPP đã thống nhất sẽ giữ nguyên các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định TPP trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. Theo đó, các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ Biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. Các cam kết mở cửa thị trường được thể hiện chi tiết theo từng dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu của mỗi nước CPTPP.

Nhìn chung, phần lớn các nước CPTPP áp dụng một mức thuế nhập khẩu chung cho tất cả các đối tác khác. Các nước áp dụng chung Biểu thuế quan nhập khẩu bao gồm Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Niu-Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam. Trong khi đó, một số nước khác áp dụng Biểu thuế nhập khẩu riêng cho từng nước CPTPP khác nhau (Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản và Mê-hi-cô). Tuy nhiên, một số nước trong nhóm này như Chi-lê và Ca-na-đa chỉ áp dụng mức thuế nhập khẩu riêng với một số ít dòng thuế, còn lại thì áp dụng chung đối với phần lớn Biểu thuế.

Về cơ bản, các cam kết về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu trong CPTPP được chia làm ba nhóm chính:

– Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay: Thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

– Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình). Trong CPTPP, phần lớn là lộ trình 3-7 năm, tuy nhiên trong một số trường hợp, lộ trình có thể là trên 10 năm. Cá biệt, có một số rất ít dòng thuế có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trên 20 năm.

– Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ): Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ xóa bỏ hoặc cắt giảm với một khối lượng hàng hóa nhất định (gọi là xóa bỏ/giảm thuế trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.

Cam kết thuế nhập khẩu của các nước CPTPP đối với Việt Nam

Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Một số cam kết thuế nhập khẩu của các đối tác CPTPP như sau:

– Ca-na-đa cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

– Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản), và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm. Trong Hiệp định CPTPP, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của ta.

– Pê-ru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế vào năm thứ 17 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

– Mê-hi-cô cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

– Chi-lê cam kết xóa bỏ 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,9% số dòng thuế vào năm thứ 8 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

– Ốt-xtrây-li-a cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 2,9 tỷ USD) ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.

– Niu-di-lân cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 101 triệu USD). Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.

– Xinh-ga-po cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định.

– Ma-lai-xi-a cam kết xóa bỏ 84,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm của Ma-lai-xi-a lên tới 99,9%.

– Bru-nây cam kết xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.

Cam kết của các nước theo một số nhóm hàng

Giày dép

78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Ca-na-đa sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Riêng giầy da lần đầu tiên được Nhật Bản cam kết trong hiệp định thương mại tự do sẽ được giảm dần đều và xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Thuế nhập khẩu giầy dép vào Mê-hi-cô và Pê-ru cũng được giảm dần đều và xóa bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Thủy sản

Các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Ca-na-đa và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua … sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mê-hi-cô sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Gạo

Với việc được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Ca-na-đa. Mê-hi-cô cũng là thị trường mới, xuất khẩu khoảng 70.000 tấn/năm và sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng gạo xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn chịu sự điều chỉnh bởi hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Nhật Bản trong WTO. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã ký Thỏa thuận Hợp tác Phát triển Chuỗi Giá trị Gạo nhằm cải thiện khả năng gạo Việt Nam trúng thầu hạn ngạch thuế quan WTO của Nhật.

Cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều

Các mặt hàng này sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng Mê-hi-cô xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Đồ gỗ

Xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất sang các nước Ca-na-đa, Pê-ru sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam

Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.

Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm, ví dụ như bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ô tô con dưới 3.000 phân phối. Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với đường, trứng, muối (nằm trong lượng hạn ngạch WTO) và ô tô đã qua sử dụng.


Dệt may

Khác với các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, Hiệp định CPTPP có chương riêng về dệt may. Ngoài việc áp dụng quy định chung như các hàng hóa khác, hàng dệt may có những quy định riêng mang tính đặc thù. Nội dung cam kết về dệt may bao gồm:

– Các quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực CPTPP nhằm mục đích thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư trong khu vực để tăng giá trị của hàng dệt may được sản xuất trong khối.

– Quy định linh hoạt về cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực.

– Các cam kết về hợp tác và thực thi hải quan nhằm ngăn chặn việc trốn thuế, buôn lậu và gian lận thương mại.

– Cơ chế tự vệ đặc biệt đối với hàng dệt may để đối phó với thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước trong trường hợp có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu (khác với cơ chế tự vệ chung của Hiệp định).

Về mở cửa thị trường hàng dệt may

Hiệp định CPTPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình). Đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác.

Với thị trường Ca-na-đa, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm.  42,9% kim ngạch xuất khẩu vào Ca-na-đa có thuế 0% năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4.  Trong khi đó, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 98,8% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương với 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Đối với một số thị trường mà Việt Nam chưa có FTA như Pê-ru và Mê-hi-cô, thuế nhập khẩu của hàng dệt may được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16.

Về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may  

Đối với hàng dệt may, quy tắc xuất xứ được áp dụng là “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. Quy tắc này khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp dệt may theo ngành dọc, khuyến khích đầu tư phát triển ngành sợi, vải, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nội khối CPTPP.

So với các FTA trước đây mà Việt Nam đã ký kết, đây là quy tắc đưa ra yêu cầu ở mức cao. Tuy nhiên, các thành viên cũng thống nhất một số trường hợp có quy tắc xuất xứ mang tính linh hoạt hơn như:

– 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, cắt và may, gồm vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp;

– Danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong vòng 5 năm.


Quy tắc xuất xứ

Hiệp định quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: (i) hàng hóa có xuất xứ thuần túy; (ii) hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP; và (iii) quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).

Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.

Thủ tục chứng nhận xuất xứ

Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa, giảm thời gian giao dịch và chi phí xuất nhập khẩu, Hiệp định CPTPP đã cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm rất mới so với các FTA truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết.

Đối với Việt Nam, do hình thức tự chứng nhận xuất xứ còn khá mới mẻ, chưa được triển khai toàn diện và đại trà nên ta được áp dụng một số thời gian chuyển đổi nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước quen dần với hình thức này. Một số quy định về thời gian chuyển đổi bao gồm:

Đối với hàng nhập khẩu: Việt Nam được bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với hàng xuất khẩu: ta được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức: (a) cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống; và (b) người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Sau thời gian 10 năm này, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như tất cả các nước CPTPP.

Quy định về De Minimis

De Minimis là gì và tại sao cần có De Minimis

Cùng với tiến trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đồng nghĩa với việc thuế quan giảm dần và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn với hầu hết hàng hóa sản phẩm nhập khẩu. Do có sự chênh lệch rất lớn giữa thuế suất MFN và thuế suất ưu đãi FTA nên tất cả FTA đều xây dựng bộ quy tắc xuất xứ hàng hóa để đảm bảo đúng hàng hóa có xuất xứ tại nước thành viên FTA mới được hưởng ưu đãi thuế quan, tránh trường hợp các nước không tham gia Hiệp định được hưởng lợi miễn phí.

Đối với hàng hóa được gia công, chế biến, thông thường có hai tiêu chí cơ bản để xác định hàng hóa có xuất xứ là tiêu chí Chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC – Change in Tariff Classification) và tiêu chí Hàm lượng giá trị khu vực (RVC – Regional Value Content). Hai tiêu chí này thể hiện việc nguyên liệu không có xuất xứ, sau khi trải qua chuyển đổi cơ bản trong quá trình gia công, chế biến trở thành hàng hóa có xuất xứ. Theo tiêu chí CTC, để hàng hóa được coi là có xuất xứ, các nguyên liệu không có xuất xứ được phân loại ở Chương, Nhóm hoặc Phân nhóm trong Hệ thống Hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) phải có mã HS khác với mã HS của sản phảm cuối cùng. Ví dụ: Tiêu chí xuất xứ áp dụng cho mặt hàng quần áo tại một số FTA là Chuyển đổi Chương (CC – Change in Chapter). Quy định này có nghĩa là mã HS của nguyên liệu (vải, phụ liệu, phụ kiện,…) nhập khẩu bên ngoài khối FTA phải được phân loại khác với mã HS của sản phẩm quần áo ở cấp độ 2 số (cấp độ Chương).

Thực tế, trong nhiều trường hợp chỉ một lượng rất nhỏ nguyên liệu không đáp ứng quy tắc xuất xử sẽ khiến hàng hóa không được coi là có xuất xứ và không được hưởng ưu đãi thuế quan. Ví dụ, theo quy tắc xuất xứ tại Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA), với mặt hàng áo jacket (mã HS 6201) có tiêu chí xuất xứ “CC, với điều kiện sản phẩm được cắt và khâu tại lãnh thổ của bất kì nước thành viên nào; hoặc RVC 40%”. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng tiêu chí “CC, với điều kiện sản phẩm được cắt và khâu tại bất kì nước thành viên nào”, nếu đệm vai (mã HS 6217) nhập khẩu từ Trung Quốc, áo jacket không đáp ứng tiêu chí CC do đệm vai được phân loại cùng Chương 62 với sản phẩm cuối cùng.

Vì vậy, trong các FTA, các nước tham gia đàm phán thường đưa ra quy định về tỷ lệ “linh hoạt” tối đa cho phép sử dụng một lượng nhỏ nguyên liệu không có xuất xứ và không đáp ứng tiêu chí CTC để sản xuất và hàng hóa vẫn được coi là có xuất xứ. Tỷ lệ này gọi tắt là “De Minimis” (thuật ngữ gốc La- tinh), được gọi là tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa nhưng vẫn được coi là có xuất xứ. Quy định này được các nước tham gia đàm phán đưa vào với mục đích giảm bớt khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTC và đa dạng hóa được hưởng thuế quan ưu đãi trong các FTA.

De Minimis áp dụng thế nào

De Minimis được áp dụng cho hàng hóa xác định xuất xứ theo tiêu chí CTC, không áp dụng với tiêu chí RVC. Đối với hàng hóa nói chung, tỷ lệ De Minimis tại hầu hết các FTA không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa. Tỷ lệ 10% được gọi là ngưỡng De Minimis. Ví dụ, trong 100 USD trị giá FOB của hàng hóa xuất khẩu thì cho phép “linh hoạt” sử dụng nhiều nhất 10 USD nguyên liệu không có xuất xứ không đạt tiêu chí CTC để sản xuất ra hàng hóa đó.

Các cam kết khác nhau có quy định De Minimis khác nhau. De Minimiscó thể tính trên cơ sở trị giá FOB tại các FTA của ASEAN hoặc giá xuất xưởng (giá Exworks-EXW) theo Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hoặc FTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Tùy theo mặt hàng, tỷ lệ De Minimis có thể chỉ được phép tổi đa 7% (hàng nông nghiệp chế biến trong AJCEP, VJEPA) hoặc nhiều nhất 5% (hàng linh kiện, phụ tùng xe ô tô trong CPTPP).

Riêng đối với các sản phẩm dệt may phân loại từ Chương 50 đến Chương 63, theo cam kết của các FTA đa phương, De Minimis được tính theo trọng lượng của hàng hóa xuất khẩu, không tính theo trị giá với lý do một số nguyên phụ liệu dệt may có trọng lượng rất nhỏ nhưng chiếm giá trị phần lớn của sản phẩm. Theo đó, nhà sản xuất được phép “linh hoạt” sử dụng nguyên liệu nhập khẩu ngoài khối FTA để sản xuất hàng dệt may với điều kiện nguyên liệu này có trọng lượng không vượt quá 10% trọng lượng hàng hóa xuất khẩu. Trong ví dụ với áo jacket nêu trên, nhà sản xuất có thể “linh hoạt” sử dụng đệm vai nhập khẩu từ Trung Quốc nếu đệm vai có trọng lượng tối 50 gam so với trọng lượng 500 gam của áo jacket.

Hiệp định CPTPP có quy định về tỷ lệ ngưỡng De Minimis tương đối phức tạp hơn so với các FTA khác. Ví dụ, tiêu chí xuất xứ trong CPTPP đối với áo jacket nam (mã HS 6201.12) là “CC, ngoại trừ từ nhóm 52.04 đến nhóm 52.12,…”.[1]. Tiêu chí này nghĩa là (1) mã HS của nguyên phụ liệu không có xuất xứ dùng để may áo jacket phải khác chương với mã HS của sản phẩm (chương 62) và (2) nếu mã HS của nguyên liệu phụ liệu dệt may thuộc nhóm 52.04 đến nhóm 52.12 thì bắt buộc phải có xuất xứ. Giả sử vải chính thuộc nhóm 52.08 dùng để may áo jacket nam, vải này phải có xuất xứ CPTPP để đáp ứng quy tắc nêu trên. Trường hợp vải không có xuất xứ do được dệt từ sợi tổng hợp filament thuộc nhóm 5406 nhập khẩu bên ngoài CPTPP, De Minimis trong CPTPP cho phép vải (mã HS 52.08) vẫn có xuất xứ nếu chỉ “linh hoạt”sử dụng một lượng nhỏ sợi filament (mã HS 54.06), chiếm không quá 10% trọng lượng của vải. Trong trường hợp như vậy, áo jacket vẫn được coi là có xuất xứ và được hưởng ưu đãi thuế quan do sợi filament chiếm không quá 10% trọng lượng của vải, là thành phần quyết định phân loại mã số hàng hóa của áo jacket.

Bảng dưới đây cho thấy những điểm khác biệt về quy định ngưỡng De Minimis trong một số FTA.

So sánh quy định về ngưỡng De Minimis trong một số FTA

Hiệp định Hàng hóa Ngưỡng De Minimis
ATIGA Tất cả hàng hóa 10% trị giá FOB của hàng hóa
AKFTA

AANZFTA

Hàng hóa không thuộc Chương 50 – 63 10% trị giá FOB của hàng hóa
Hàng dệt may từ Chương 50-63 10% trọng lượng của hàng hóa
AJCEP Hàng hóa thuộc Chương 16,19, 20, 22, 23, 28-49, 64-97 10% trị giá FOB của hàng hóa
Hàng hóa thuộc Chương 18 & 21 7% hoặc 10% trị giá FOB của hàng hóa
Hàng dệt may Chương 50 – 63 10 % trọng lượng của hàng hóa
AIFTA Không có điều khoản quy định
ACFTA Không có điều khoản quy định
 

 

 

 

 

 

 

CPTPP

Hàng hóa (ngoại trừ một số mặt hàng sữa và chế phẩm từ sữa, nước ép hoa quả, dầu ăn) 10% trị giá giao dịch của hàng hóa
Một số linh kiện, phụ tùng ô tô 5% hoặc 10% trị giá giao dịch của hàng hóa
 

 

 

 

Hàng dệt may

không thuộc C hương 61 – 63 10% trọng lượng của hàng hóa
thuộc Chương 61 – 63 sử dụng xơ hoặc sợi không có xuất xứ Trọng lượng của xơ hoặc sợi không có xuất xứ không vượt quá 10% thành phần quyết định đến phân loại mã số hàng hóa sử dụng xơ hoặc sợi đó
có chứa sợi co giãn trong thành phần chính xác định phân loại mã số hàng hóa Sợi co giãn được xe toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều Nước thành viên

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Vận dụng tỷ lệ De Minimis hiệu quả là một kỹ năng cần thiết mà doanh nghiệp cần nắm bắt trong quá trình sản xuất, gia công nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ, qua đó, hàng hóa được hưởng ưu đãi FTA. Do việc vận dụng De Minimis ở mỗi FTA khác nhau nên doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy định này để vận dụng thích hợp và lưu trữ hồ sơ phục vụ xác minh xuất xứ hàng hóa. Trong trường hợp cần hỗ trợ, doanh nghiệp có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O hoặc gửi thư điện tử về địa chỉ co@moit.gov.vn để được hướng dẫn.

Diễn giải từ viết tắt:

–  ATIGA: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN

– ACFTA: Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

– AKFTA: Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc

– AJCEP: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản

– AANZFTA: Hiệp định Thành lập khu vực Thương mại tự do ASEAN – Úc và Niu-di-lân

– AIFTA: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Ấn độ

– CPTPP: Hiệp định Đối tác Toàn diện & Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

– FTA: Hiệp định thương mại tự do


[1] Tiêu chí xuất xứ trong CPTPP của mã HS62.01 – 62.08: CC, ngoại trừ từ nhóm 51.06 đến 51.13, 52.04 đến 52.12 hoặc 54.01 đến 54.02, phân nhóm 5403.33 đến 5403.39 hoặc 5403.42 đến 5403.49, hoặc nhóm 54.04 đến 54.08, 55.08 đến 55.16, 58.01 đến 58.02 hoặc 60.01 đến 60.06, với điều kiện sản phẩm được cắt hoặc dệt thành hình, hoặc cả hai, và được may hoặc ghép bằng cách tại lãnh thổ của một hoặc nhiều Nước thành viên.


Dịch vụ và đầu tư

Hiệp định CPTPP quy định 4 nghĩa vụ chủ chốt là:

Đối xử quốc gia (NT): Nước thành viên phải đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ của nước CPTPP khác được đối xử không kém thuận lợi hơn các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.

Đối xử tối huệ quốc (MFN): Nước thành viên phải đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ của một nước CPTPP được đối xử không kém thuận lợi hơn các các nhà cung cấp dịch vụ của các nước thành viên khác hoặc của bất cứ nước hay vùng lãnh thổ không phải là thành viên của hiệp định.

Tiếp cận thị trường (MA): Nước thành viên không được phép duy trì các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường được phân chia thành 5 loại như sau: (i) Hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; (ii) Hạn chế về tổng giá trị các giao dịch hoặc tài sản; (iii) Hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ cung cấp; (iv) Hạn chế về số lượng lao động; và (v) Hạn chế về hình thức thành lập doanh nghiệp.

Hiện diện tại nước sở tại (LP): Nước thành viên không được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ của nước CPTPP phải thiết lập hoặc duy trì văn phòng đại diện hay bất cứ hình thức công ty nào hay yêu cầu họ phải đáp ứng yêu cầu về thường trú như là điều kiện để được cung cấp dịch vụ.

Các nghĩa vụ chính về Đầu tư

Các nghĩa vụ chính

Ngoài nghĩa vụ đối xử quốc gia (NT) và đối xử tối huệ quốc (MFN) như trong lĩnh vực TMDV, chương Đầu tư của Hiệp định CPTPP có một số nghĩa vụ chính như sau:

Tiêu chuẩn đối xử tối thiểu: Các nước cam kết dành cho các nhà đầu tư nước ngoài sự đối xử công bằng và thỏa đáng khi tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự, dân sự hoặc hành chính. Ngoài ra, các nước CPTPP cần phải bảo đảm an toàn cho các khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật quốc tế.

Tước quyền sở hữu: Khi thấy thực sự cần thiết, ví dụ vì mục đích công cộng, chính phủ các nước có thể tước quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử và có sự đền bù thỏa đáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, phù hợp với quy định của pháp luật và nghĩa vụ của Hiệp định CPTPP.

Chuyển tiền: Các nhà đầu tư nước ngoài được phép tự do chuyển tiền đầu tư hoặc lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chính phủ các nước CPTPP có thể hạn chế hoạt động này của nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như vì mục đích kiểm soát vốn trong bối cảnh khủng hoảng cán cân thanh toán hoặc khủng hoảng kinh tế.

Không áp đặt các “yêu cầu thực hiện” (PR): Các nước không được duy trì các yêu cầu buộc nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện để được cấp phép đầu tư hay được hưởng các ưu đãi đầu tư.

Không áp đặt các yêu cầu về bổ nhiệm nhân sự (SMBD): Các nước không được yêu cầu công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải bổ nhiệm các nhân sự cấp cao thuộc một quốc tịch nào đó.

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước (ISDS)

Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, Hiệp định CPTPP cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tiến hành khởi kiện ra cơ quan trọng tài quốc tế trong một số trường hợp khi quyền lợi của nhà đầu tư bị chính quyền nước sở tại xâm phạm trái với các tiêu chuẩn được Hiệp định đặt ra (ví dụ trưng thu, tước quyền sở hữu, tiêu chuẩn đối xử tối thiểu, v.v.), ngoại trừ trường hợp có tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các cam kết hay nghĩa vụ của hợp đồng đầu tư và chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên, việc khởi kiện phải tuân thủ các quy định và quy trình được mô tả rõ ràng trong chương Đầu tư. Các nội dung chính bao gồm:

Minh bạch hóa thủ tục trọng tài: các vụ điều trần tại cơ quan trọng tài và các tài liệu liên quan phải được công khai cho công chúng.

Sự tham gia của bên thứ 3: những đối tượng có quan tâm, ví dụ công đoàn, các tổ chức dân sự nếu quan tâm thì có thể đệ trình văn bản, tài liệu thể hiện quan điểm của mình cho cơ quan trọng tài.

Sự tham gia của bên không liên quan đến vụ kiện: chính phủ của nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nước CPTPP khác có thể đệ trình văn bản, tài liệu thể hiện cách hiểu và diễn giải của mình về nội dung Hiệp định.

Xử lý các khiếu kiện vô giá trị và bồi thường phí luật sư: có cơ chế cho phép hội đồng trọng tài có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý các khiếu kiện vô giá trị và phán quyết về mức phí trọng tài đối với chính phủ bị kiện.

Phán quyết tạm thời và kháng cáo: các bên tham gia vụ kiện có thể rà soát và có ý kiến đối với phán quyết của hội đồng trọng tài trước khi công bố và cho phép cả hai bên tham gia vụ kiện có quyền kháng cáo quyết định của hội đồng trọng tài.

Cam kết trong một ngành dịch vụ – đầu tư khác

Đối với lĩnh vực dịch vụ – đầu tư, các nước CPTPP được quyền đưa ra các biện pháp bảo lưu trái với 4 nghĩa vụ chính của chương Dịch vụ (Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc, Tiếp cận thị trường, và Hiện diện tại nước sở tại) và 4 nghĩa vụ chính của Chương Đầu tư (Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc, Yêu cầu thực hiện, và Quản lý nhân sự cấp cao và ban giám đốc) dưới hình thức là một danh mục gọi là “Danh mục các biện pháp bảo lưu không thương thích với nghĩa vụ chính của chương Dịch vụ và chương Đầu tư” (gọi tắt là danh mục NCM dịch vụ – đầu tư). Ngoài ra, mọi biện pháp quản lý, nếu không có yếu tố phân biệt đối xử, đều được phép duy trì mà không cần phải bảo lưu trong Hiệp định.

Danh mục NCM dịch vụ – đầu tư đều bao gồm 2 Phụ lục:

Phụ lục I: gọi là Phụ lục bảo lưu các biện pháp hiện hành, bao gồm các biện pháp không tương thích với các nghĩa vụ về đầu tư và thương mại dịch vụ được quy định tại các văn bản pháp luật hoặc chính sách hiện hành của một nước thành viên. Đối với các biện pháp được liệt kê trong Phụ lục này, các nước được tiếp tục áp dụng theo đúng nội dung đã được mô tả. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm sau:

  • Các nước được quyền sửa đổi nội dung bảo lưu nhưng với điều kiện việc sửa đổi không được kém thuận lợi hơn nội dung đã được bảo lưu trong Phụ lục. Nguyên tắc này gọi là nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng (standstill)”.
  • Các nước được quyền đơn phương sửa đổi các nội dung đã bảo lưu theo hướng thuận lợi hơn nhưng khi đã đưa ra rồi thì không được quyền rút lại nội dung đã được sửa đổi đó. Nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc “chỉ tiến, không lùi (ratchet)”.

Lưu ý: Trong thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Việt Nam không phải tuân thủ nguyên tắc ratchet. Đây là linh hoạt mà các nước CPTPP dành riêng cho Việt Nam.

Phụ lục II: gọi là Phụ lục bảo lưu các biện pháp lâu dài, bao gồm các biện pháp không tương thích với các nghĩa vụ về đầu tư và thương mại dịch vụ mà các nước không muốn loại bỏ trong giai đoạn hiện tại và muốn bảo lưu lâu dài. Đối với Phụ lục này, các nước được toàn quyền đưa ra các nội dung trái với các nghĩa vụ chính của Hiệp định hoặc toàn quyền hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực được bảo lưu.

Cam kết cụ thể của một số ngành dịch vụ – đầu tư:

Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN): Ta đồng ý nguyên tắc MFN, tức là đối xử với các nước thành viên CPTPP không kém thuận lợi hơn so với các đối tác khác. Tuy nhiên, ta bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào dành đối xử khác biệt cho: (i) các quốc gia có hiệp định quốc tế song phương hoặc đa phương đang có hiệu lực hoặc đã được ký kết trước ngày Hiệp định này có hiệu lực và (ii) các quốc gia thành viên ASEAN theo bất kỳ hiệp định ASEAN nào mà các quốc gia thành viên ASEAN có thể tham gia, đang có hiệu lực hoặc đã được ký kết trước ngày Hiệp định này có hiệu lực. Đồng thời, ta cũng bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào dành đối xử khác biệt cho các quốc gia theo các hiệp định quốc tế song phương hoặc đa phương đang có hiệu lực hoặc được ký kết sau ngày Hiệp định này có hiệu lực trong các lĩnh vực hoạt động hàng hải, bao gồm cả cứu hộ; thủy hải sản; hàng không.

Dịch vụ viễn thông:

+ Cho phép các nước CPTPP thành lập liên doanh với mức góp vốn không quá 49% đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản có gắn với hạ tầng mạng. Với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng có gắn với hạ tầng mạng, ta đồng ý cho phép thành lập liên doanh với mức góp vốn không quá 65% sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Với các dịch vụ không gắn với hạ tầng mạng, mở cửa cho các nước CPTPP đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

+ Với các dịch vụ không gắn với hạ tầng mạng cung cấp qua biên giới (như gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua các ứng dụng Viber, Skype và các loại hình dịch vụ viễn thông trên nền Internet khác): Việt Nam bảo lưu quyền được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải đăng ký, xin cấp phép hoặc phải có thỏa thuận thương mại với các nhà mạng.

+ Với việc bán dung lượng cáp quang biển: Cáp quang phải đấu nối qua trạm cập bờ và thiết bị do ta quản lý; các nhà đầu tư cáp quang CPTPP chỉ được phép bán dung lượng cáp quang cho các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông và các công ty cung cấp dịch vụ truy nhập internet (ISP) đã được cấp phép tại Việt Nam.

Dịch vụ ngân hàng: Ta cam kết mở cửa thị trường một số nội dung mới bao gồm cung cấp dịch vụ tài chính mới và dịch vụ thanh toán điện tử cho các giao dịch bằng thẻ. Bên cạnh việc mở cửa thị trường, ta tiếp tục duy trì quyền cấp phép của cơ quan quản lý tài chính cũng như đảm bảo được các quyền, lợi ích của Việt Nam khi tham gia Hiệp định.

Dịch vụ phân phối: Việt Nam cam kết bỏ hạn chế đối với việc “mở thêm điểm bán lẻ” sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Về diện mặt hàng, Việt Nam tiếp tục bảo lưu không cho phép nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu, dược phẩm và sản phẩm ghi hình.


Lao động

Các tiêu chuẩn lao động của ILO

Với cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này, năm 1998, ILO đã ra Tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động và đến năm 2008 tiếp tục thông qua Tuyên bố về thúc đẩy việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong quá trình toàn cầu hóa công bằng. Đây cũng là cách tiếp cận của các FTA thế hệ mới và đang trở thành xu thế trên toàn cầu (nếu như vào thời điểm thành lập WTO năm 1995 mới có 4 hiệp định FTA có nội dung về lao động, thì đến tháng 01 năm 2015 đã có 72 hiệp định FTA quy định về nội dung này).

Hiệp định CPTPP là một hiệp định FTA thế hệ mới có quy định nội dung về lao động, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, thể hiện trong 8 Công ước cơ bản, bao gồm các nội dung: (1) Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động (theo Công ước số 87 và số 98); (2) Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc (theo Công ước số 29 và số 105); (3) Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (theo Công ước số 138 và số 182); (4) Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (theo Công ước số 100 và số 111).

Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992, đã phê chuẩn 5/8 Công ước cơ bản của ILO (bao gồm các Công ước số 29, 100, 111, 138 và 182) và đang chuẩn bị trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đối với 3 Công ước cơ bản còn lại (các Công ước số 87, 98 và 105). Nhưng theo Tuyên bố năm 1998 của ILO thì các nước thành viên dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các Công ước cơ bản nêu trên đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các Công ước đó. Như vậy, trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình.

            Những nội dung chính về lao động trong Hiệp định CPTPP

– Về những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động thì về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của Hiệp định. Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Đối với cam kết về đảm bảo điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, hệ thống luật pháp của Việt Nam về cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung.

– Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định CPTPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia Hiệp định CPTPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.

– Hiệp định CPTPP cũng như quy định của ILO đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO.

– Hiệp định CPTPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Điều này cũng phù hợp với quy định của ILO.

Cam kết về liên kết của các tổ chức của người lao động

Theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, riêng Việt Nam có được thời gian chuẩn bị là 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 07 năm kể từ khi ký Hiệp định) để đến khi đó sẽ cho phép các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của người lao động ở mức độ này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các quy định của ILO. Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.

Quyền tự do liên kết được đề cập đến trong 2 Công ước này chỉ bao gồm quyền của người lao động cũng như của người sử dụng lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện cho mình nhằm mục đích tương tác trong quan hệ lao động. 2 Công ước này không điều chỉnh các hiệp hội cũng như các hoạt động không thuộc về quan hệ lao động.


Mua sắm Chính phủ

Mua sắm Chính phủ (MSCP) được hiểu là khoản chi do một cơ quan nhà nước hoặc cơ quan do nhà nước ủy quyền thực hiện để nhằm mục đích của chính phủ, do vậy, MSCP là một thị trường mà người mua gắn liền với Nhà nước như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Cũng như Luật Đấu thầu, Chương MSCP của Hiệp định CPTPP đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên, ở mức độ yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch. Các nội dung chính của chương MSCP bao gồm: Không phân biệt đối xử; Không sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa hoặc nhà thầu trong nước; và Biểu cam kết mở cửa thị trường MSCP quyết định phạm vi mở cửa của từng nước.

Theo đó, Việt Nam cam kết thực hiện mở cửa và thực hiện theo các đối tượng như sau:

(i) Chủ đầu tư, hay chính là bên mời thầu, bao gồm các đơn vị được liệt kê trong bản chào là 21 cơ quan cấp Trung ương, không cam kết với các cơ quan thuộc Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao. Đối với các Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa các gói mua sắm một số loại hàng hóa, dịch vụ nhất định.Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu thầu của 38 đơn vị sự nghiệp, bao gồm các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam.

(ii) Ngưỡng mở cửa của gói thầu được quy định riêng cho từng loại chủ đầu tư, bao gồm ngưỡng cho gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ nói chung, và ngưỡng cho mua sắm dịch vụ xây dựng. Ví dụ đối với các cơ quan trung ương, sau 15 năm chuyển đổi thì ngưỡng mở cửa là 8.5 triệu[1] SDR[2] đối với gói xây lắp, sau 25 năm thì ngưỡng đối với gói hàng hóa, dịch vụ là 130.000 SDR[3].

Riêng đối với 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, ngưỡng mở cửa gói thầu hàng hoá được áp dụng đối với gói thầu mua thuốc cho từng bệnh viện mà có thời gian thực hiện hợp đồng từ một năm trở lên, hoặc gói thầu mua thuốc tập trung do Bộ Y tế thay mặt các bệnh viện tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp gói thầu mua thuốc của bệnh viện có thời gian thực hiện hợp đồng dưới một năm, ngưỡng mở cửa đối với gói thầu này là 500.000 SDR. Trường hợp gói thầu chỉ bao gồm một loại thuốc duy nhất, ngưỡng mở cửa là 180.000 SDR.

(iii) Đối với hàng hóa, dịch vụ, lĩnh vực xây dựng cần mua thuộc phạm vi mở cửa, Việt Nam chỉ bảo lưu những nội dung cần thiết, ví dụ bảo lưu việc mua xăng dầu, một phần thị trường thuốc, lúa gạo, sách báo v.v… Phần dịch vụ chỉ liệt kê các loại dịch vụ mở cửa cho nhà thầu của các nước CPTPP tham gia đấu thầu. Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu thầu các gói thầu dược phẩm, tuy nhiên, lộ trình mở cửa khá dài, 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam mới mở cửa đến 50% tổng giá trị hợp đồng đối với các gói thầu thuộc diện diều chỉnh. Các loại thuốc mà Việt Nam phải ưu tiên cho phép đấu thầu theo thứ tự: Thuốc generic thuộc Nhóm 1, thuốc generic thuộc Nhóm 2, thuốc generic thuộc Nhóm 3, thuốc generic thuộc Nhóm 4, thuốc generic thuộc Nhóm 5, cho tới khi mua đủ thuốc theo tỷ lệ phần trăm mở cửa cho năm đó.

(iv) Các thành viên cũng có thể áp dụng các loại trừ, ngoại lệ và các biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như Việt Nam được loại trừ các gói thầu xây dựng nghĩa trang liệt sỹ, loại trừ mua xăng dầu ở Phần Hàng hóa, dịch vụ, loại trừ việc mua sắm ở trong nước để tiêu dùng ngoài lãnh thổ, loại trừ các gói thầu mua sắm dự trữ quốc gia, mua sắm nhằm phục vụ mục đích tăng cường sức khỏe, phúc lợi, sự phát triển kinh tế, xã hội của dân tộc thiểu số, gói thầu dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các gói thầu vì lý do an ninh, quốc phòng.

Hiệp định CPTPP cho phép các nước đang phát triển được phép áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ không chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới các nghĩa vụ của mình theo Chương MSCP. Trong thời gian này, Việt Nam chỉ tham vấn với nước CPTPP có ý kiến quan ngại về việc thực thi nghĩa vụ của Việt Nam.

(v) Việt Nam được phép yêu cầu, xem xét, áp dụng hoặc thực hiện bất kỳ hình thức ưu đãi trong nước trong bất kỳ giai đoạn nào của quy trình lựa chọn nhà thầu trong 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kể cả cơ chế ưu đãi về giá, ở mức tối đa 40% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của từng năm; tỷ lệ này giảm xuống mức tối đa 30% kể từ năm thứ 11 cho đến hết năm thứ 25. Biện pháp ưu đãi nội địa sẽ được loại bỏ từ năm thứ 26 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.


[1] 8.5 triệu SDR tương đương khoảng 260 tỷ đồng

[2] SDR: Quyền rút vốn đặc biệt

[3] 130.000 SDR Tương đương 4 tỷ đồng


Môi trường

Chương Môi trường thúc đẩy sự tương hỗ lẫn nhau giữa các chính sách về thương mại và môi trường; tăng cường bảo vệ môi trường ở mức độ cao và thực thi hiệu quả luật pháp về môi trường; tăng cường năng lực của các Bên để giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại, bao gồm cả việc thông qua hợp tác.

Chương Môi trường bao gồm khoảng 25 trang với 23 Điều khoản và 02 Phụ lục, điều chỉnh hoạt động nhiều lĩnh vực và vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại. Các quy định này đã được đưa vào thành những nghĩa vụ cam kết mang tính chất ràng buộc và bắt buộc các nước thành viên phải thực thi thông qua việc sử dụng công cụ về kinh tế, cụ thể là việc áp dụng cơ chế tham vấn và cơ chế giải quyết tranh chấp (có áp dụng chế tài thương mại) đối với những vấn đề phát sinh hoặc các tranh chấp về môi trường có liên quan đến thương mại và đầu tư giữa hai hay nhiều Bên.

Bên cạnh đó, chương Môi trường cũng có những điều khoản nhằm tăng tính minh bạch và tính nghiêm túc trong việc thực thi các nghĩa vụ của chương, cụ thể là nghĩa vụ phải tạo điều kiện cho công chúng được tham gia trong quá trình thực hiện; nghĩa vụ về chia sẻ và công khai thông tin liên quan đến việc thực hiện và nghĩa vụ khuyến khích, cho phép công chúng được tham gia giám sát quá trình thực thi các cam kết về môi trường. Các nội dung chính của chương này bao gồm:

Chính sách và pháp luật trong nước về môi trường

Xây dựng chính sách, pháp luật: Mỗi nước CPTPP phải cố gắng đảm bảo đầy đủ luật pháp và chính sách môi trường, khuyến khích việc bảo vệ môi trường ở mức cao và tiếp tục nâng cao các mức độ bảo vệ môi trường.

Thực thi chính sách và pháp luật: Mỗi nước CPTPP phải thực thi hiệu quả và nghiêm túc pháp luật về môi trường của mình mà không gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các nước CPTPP. Đồng thời không được phép bỏ qua, hay bằng cách nào đó giảm nhẹ hiệu lực pháp lý của các đạo luật và quy định mội trường của mình nhằm khuyến khích thương mại hay đầu tư giữa các nước CPTPP.

Các cam kết quốc tế về môi trường

Các nước CPTPP khẳng định thực thi hiệu quả các cam kết trong các hiệp định đa phương về môi trường đã tham gia. Ngoài ra, chương Môi trường nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 03 điều ước quốc tế về môi trường là: Nghị định thư MONTREAL về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (Công ước MARPOL) và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (Công ước CITES).

Tăng cường tính minh bạch và hiệu quả thực hiện

Các nước CPTPP đồng ý công khai hóa thông tin, tăng cường sự tham gia và giám sát của công chúng trong quá trình thực thi. Ngoài ra, chương Môi trường cũng khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân (doanh nghiệp) trong việc bảo vệ môi trường ví dụ như khuyến khích việc áp dụng các cơ chế tự nguyện nhằm nâng cao việc bảo vệ môi trường.

Trợ cấp thủy sản

Liên quan đến nội dung về trợ cấp đánh bắt tự nhiên, chống thương mại trái phép hải sản đánh bắt từ tự nhiên là một trong những nội dung quan trọng của Chương Môi trường, các nước CPTPP đã cam kết:

  • Xóa bỏ trợ cấp cho hoạt động đánh bắt mà hoạt động đó được xác định là gây ra tác động xấu tới nguồn lợi hải sản đã trong tình trạng bị đánh bắt quá mức; Và xóa bỏ mọi hình thức trợ cấp cho các tàu đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo.
  • Cam kết minh bạch hóa mọi chính sách và dữ liệu có liên quan đến các chương trình trợ cấp đánh bắt.
  • Cam kết thực hiện các biện pháp quốc gia cảng biển và quốc gia tàu treo cờ cũng như các kế hoạch hành động chống đánh bắt bất hợp pháp của các tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế nhằm ứng phó và giải quyết vấn nạn đánh bắt bất hợp pháp và hành vi thương mại các sản phẩm đó.

Để thực thi các cam kết liên quan đến xóa bỏ trợ cấp như nêu ở trên, các nước có thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với từng Bên để hài hòa hóa mọi chính sách liên quan. Riêng Việt Nam sẽ được gia hạn thêm 2 năm nếu có cơ sở thể hiện sự cần thiết phải có thêm thời gian chuyển tiếp.

Bảo tồn

Trong Hiệp định TPP, các nước phải thực thi các biện pháp để chống lại và ngăn chặn hành vi khai thác và buôn bán động thực vật hoang dã trái với pháp luật của nước đó hay một luật áp dụng khác.

Luật áp dụng khác được hiểu là luật pháp của một nước mà việc khai thác và buôn bán động thực vật hoang dã xảy ra và chỉ liên quan đến vấn đề liệu những động, thực vật hoang dã đã được khai thác và buôn bán có trái với luật pháp nơi đó.

Các nước CPTPP đã thống nhất tạm hoãn nghĩa vụ phải thực thi các biện pháp để chống lại và ngăn chặn hành vi khai thác và buôn bán động thực vật hoang dã trái với một luật áp dụng khác. Điều này có nghĩa là các nước chỉ phải thực thi các biện pháp xử lý đối với các hành vi khai thác và buôn bán động thực vật hoang dã trái với pháp luật của nước mình theo quy định của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (CITES).


Doanh nghiệp nhà nước

Các nghĩa vụ chính

Các nghĩa vụ chính theo Hiệp định bao gồm: (1) Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải hoạt động theo cơ chế thị trường; (2) Các DNNN không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; (3) Minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố; và (4) Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.

Cam kết của Việt Nam

Các nghĩa vụ của Hiệp định chỉ áp dụng với các DNNN vượt ngưỡng doanh thu nhất định. Theo đó, các DNNN có doanh thu hàng năm dưới 16.000 tỷ VNĐ (vào thời điểm khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực) và dưới 6.500 tỷ VNĐ (khi Hiệp định có hiệu lực được 5 năm) sẽ không phải thực thi phần lớn các nghĩa vụ của Hiệp định.

Việt Nam bảo lưu loại trừ khỏi việc thực thi các quy định về DNNN của Hiệp định đối với tất cả các doanh nghiệp công ích, các hoạt động thực hiện các chương trình có ý nghĩa quan trọng chiến lược và các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng – an ninh Riêng một vài doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an tham gia kinh doanh thông thường trên thị trường và có cạnh tranh với doanh nghiệp thông thường của các nước CPTPP thì vẫn phải tuân thủ cam kết.


Sở hữu trí tuệ

Các cam kết chung

Các nước CPTPP tiếp tục khẳng định các mục tiêu của Hiệp định TRIPS của WTO, khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ để góp phần thúc đẩy đổi mới và chuyển giao và phổ biến công nghệ nhằm nâng cao lợi ích xã hội và kinh tế. Các nước được tự do quyết định phương pháp thích hợp trong việc thực hiện các quy định của Chương phù hợp với hệ thống pháp luật của mình trong thực tế.

Nhãn hiệu

– Đối tượng được bảo hộ: Ngoài các đối tượng được bảo hộ theo Hiệp định TRIPS của WTO, Hiệp định CPTPP còn quy định thêm việc bảo hộ với nhãn hiệu thương mại dưới hình thức âm thanh. Ngoài ra, các nước phải nỗ lực để cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi hương.

Thời gian bảo hộ: Các nước phải bảo hộ nhãn hiệu thương mại tối thiểu là 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần.

Cải cách thủ tục hành chính: Các nước CPTPP đảm bảo thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch trong đăng ký, gia hạn nhãn hiệu thương mại và sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu thương mại điện tử để tăng tính minh bạch của quy trình này.

Chỉ dẫn địa lý

Các nước CPTPP được quyền lựa chọn cơ chế bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý, hoặc là theo cơ chế riêng chỉ áp dụng cho chỉ dẫn địa lý, hoặc là theo cơ chế chung với nhãn hiệu thương mại. Tuy nhiên, các nước phải tuân thủ một số nghĩa vụ về tính minh bạch, căn cứ công nhận và thời điểm bắt đầu bảo hộ.

Sáng chế (Patents)

Hiệp định CPTPP đã tạm hoãn thực thi quy định trong Hiệp định TPP về việc vấn đề bảo hộ cho sáng chế đã công bố công khai, nếu việc công bố đó là do người nộp đơn sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế, và nếu việc công bố đó thực hiện trong vòng 12 tháng ngay trước thời điểm nộp đơn đăng ký, và tạm hoãn một số các nghĩa vụ khác.

Bảo hộ SHTT đối với nông hóa phẩm

Chương SHTT yêu cầu các nước CPTPP phải bảo hộ đối kết quả thử nghiệm và dữ liệu bí mật liên quan đến sự an toàn và hiệu quả của các sản phẩm được coi là nông hóa phẩm.

Quy định liên quan đến dược phẩm

Các quy định về SHTT đối với dược phẩm tại CPTPP cân đối giữa (i) yêu cầu nâng mức bảo hộ và quyền của chủ sở hữu sáng chế dược phẩm của một số nước CPTPP mạnh về chế tạo, sản xuất, xuất khẩu dược phẩm và (ii) mong muốn bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng qua việc duy trì khả năng tiếp cận của công chúng với dược phẩm với giá hợp lý của các nước còn lại.

Kiểu dáng công nghiệp

Các nước CPTPP phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với cả các kiểu dáng chứa đựng trong một phần của một sản phẩm hoặc có một phần kiểu dáng riêng biệt so với toàn bộ sản phẩm và vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của hiệp định TRIPS.

Quyền tác giả và các quyền liên quan

– Quyền của các chủ sở hữu: Các nước CPTPP phải bảo hộ quyền độc quyền của tác giả, người biểu diễn, người sản xuất trong việc cho phép hoặc cấm sao chép, truyền đạt tới công chúng, phân phối và phát sóng các tác phẩm, cuộc biểu diễn và bản ghi âm của họ trong bất kỳ cách thức hoặc hình thức nào, kể cả dưới dạng điện tử.

– Thời hạn bảo hộ: Đối với trường hợp chủ sở hữu quyền là cá nhân, thời hạn bảo hộ là cả cuộc đời cá nhân đó cộng thêm 70 năm kể từ ngày mất. Đối với trường hợp không phải cá nhân, thời hạn bảo hộ là 70 năm kể từ thời điểm công bố lần đầu tác phẩm. Nếu tác phẩm không được không bố trong vòng 25 năm kể từ ngày được tạo ra thì thời hạn này là 70 năm kể từ ngày tác phẩm được tạo ra. Việt Nam cam kết thực hiện nghĩa vụ này sau 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên các nghĩa vụ này đã được tạm hoãn trong Hiệp định CPTPP.

Biện pháp bảo vệ công nghệ: Biện pháp bảo vệ công nghệ trong chương SHTT được hiểu là bất kỳ công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện hiệu quả nào, được sử dụng, vận hành để kiểm soát truy cập vào một tác phẩm, cuộc biểu diễn, hoặc bản ghi âm đã được bảo hộ, hoặc quyền liên quan đến chúng. Các nước được yêu cầu phải có các quy định, các thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt để xử lý các trường hợp cố ý vi phạm.

Thực thi và bảo hộ quyền SHTT

– Nguyên tắc và ngoại lệ chung: Các nước CPTPP có quyền tự chủ trong việc xác định cách thức thực hiện các biện pháp thực thi và bảo vệ quyền SHTT nhưng phải thiết lập hệ thống pháp luật về các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm SHTT hay phải đảm bảo triển khai các biện pháp thực thi một cách công bằng, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém, không tạo ra rào cản đối với thương mại và có cách thức để hạn chế lạm dụng.

– Thủ tục xử lý vi phạm SHTT: Các nước CPTPP có nghĩa vụ bảo đảm các phán quyết tư pháp và quyết định hành chính liên quan đến việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ phải được ban hành thành văn bản.

– Yêu cầu đặc biệt liên quan đến các biện pháp kiểm soát biên giới: Các nước CPTPP phải có các biện pháp thực thi bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả và các quyền liên quan tại biên giới.

– Các biện pháp xử lý hình sự: Các yêu cầu bắt buộc về xử lý hình sự đối với vi phạm SHTT tập trung vào các vi phạm đối với nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả và quyền liên quan.


Thương mại điện tử

Các quy định chính liên quan đến thương mại điện tử bao gồm:

Không thu thuế nhập khẩu đối với giao dịch thương mại điện tử

Các nước CPTPP không được đánh thuế nhập khẩu đối với việc giao dịch các sản phẩm số trên mạng. Đối tượng để áp dụng cơ chế không đánh thuế nhập khẩu là sản phẩm số được định nghĩa ở trên. Tuy nhiên, các nước CPTPP có quyền áp dụng các loại thuế, phí, lệ phí nội địa đối với các “nội dung được truyền bằng phương thức điện tử”, miễn là các loại thuế, lệ phí hoặc khoản thu đó phù hợp với các quy định của Hiệp định.

Không phân biệt đối xử sản phẩm số (trừ các khoản trợ cấp nhằm triển khai các chương trình của chính phủ và các chương trình phát thanh, truyền hình)

Nghĩa vụ không phân biệt đối xử sản phẩm số thiết lập cơ chế tạo thuận lợi thương mại, không có sự phân biệt đối xử đối với sản phẩm số được sáng tạo, sản xuất, phát hành, ký hợp đồng, đặt hàng hoặc xuất hiện lần đầu trên cơ sở hợp đồng thương mại trên lãnh thổ của nước CPTPP khác, hay không được có sự phân biệt đối xử với các sản phẩm số của các tác giả, người sản xuất, người trình diễn, người sở hữu của của nước CPTPP khác. Tuy nhiên, nghĩa vụ này không áp dụng đối với các khoản trợ cấp hay tài trợ bởi Chính phủ của một nước CPTPP, bao gồm những khoản vay, bảo lãnh, đảm bảo từ chính phủ đối với sản phẩm số để phục vụ các mục tiêu công cộng như bảo tồn văn hóa, bản sắc dân tộc, không áp dụng đối với phát thanh truyền hình.

Tự do lưu chuyển thông tin qua biên giới bằng phương thức điện tử

Nghĩa vụ của chương TMĐT loại trừ áp dụng đối với các thông tin, dữ liệu do Chính phủ hoặc Nhà nước nắm giữ hoặc xử lý, hoặc ủy quyền cho một cơ quan hay tổ chức nào được nắm giữ hoặc thu thập. Việc lưu chuyển thông tin, dữ liệu xuyên biên giới bằng phương thức điện tử chỉ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của một pháp nhân. Các nước có quyền có những yêu cầu quản lý riêng về việc lưu chuyển thông tin bằng phương thức điện tử và có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện các chính sách công cộng chính đáng, nhưng với điều kiện những chính sách này không tạo rào cản thương mại trá hình hay vận dụng theo hướng phân biệt đối xử hay tùy tiện.

Không yêu cầu sử dụng hoặc đặt trang thiết bị tại nước sở tại

Các nước CPTPP không được yêu cầu sử dụng hoặc đặt máy chủ tại nước sở tại như một điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, các nước CPTPP có quyền đưa ra yêu cầu quản lý riêng về việc sử dụng hoặc đặt máy chủ, bao gồm cả các yêu cầu để đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin liên lạc; có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện các chính sách công cộng chính đáng, nhưng với điều kiện những chính sách này không tạo rào cản thương mại trá hình hay vận dụng theo hướng phân biệt đối xử hay tùy tiện.

Lưu ý: Các nước CPTPP đồng ý không khiếu kiện Việt Nam nếu các quy định liên quan đến an ninh mạng của Việt Nam được cho là không phù hợp với Hiệp định CPTPP (cụ thể là 2 nghĩa vụ về tự do lưu chuyển thông tin xuyên biên giới và đặt hệ thống máy chủ tại nước sở tại trong Chương về Thương mại điện tử) trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định CPCPTPP có hiệu lực.

Hợp tác an ninh mạng

Xuất phát từ tình trạng xuất hiện các hoạt động có tính chất nguy hiểm trên các mạng điện tử có thể gây tổn hại cho giao dịch điện tử, các nước ghi nhận tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực của các cơ quan quốc gia về việc ứng cứu đối với sự cố máy tính và tầm quan trọng của các cơ chế hợp tác để phối hợp xác định, giảm thiểu các hành vi xâm nhập nguy hiểm hoặc phổ biến mã độc gây ảnh hưởng đến mạng thông tin điện tử của các nước CPTPP.

Bảo lưu các biện pháp liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự công cộng, quyền riêng tư

Các nước có quyền có những yêu cầu quản lý riêng về lưu chuyển thông tin hoặc dữ liệu xuyên biên giới bằng phương thức điện tử, sử dụng hoặc đặt máy chủ (bao gồm cả các yêu cầu để đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin liên lạc); có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện các chính sách công cộng chính đáng, nhưng với điều kiện những chính sách này không tạo rào cản thương mại trá hình hay vận dụng theo hướng phân biệt đối xử hay tùy tiện.


Hợp tác và nâng cao năng lực

Thúc đẩy hợp tác và xây dựng năng lực

Các nước CPTPP công nhận tầm quan trọng của các hoạt động hợp tác và nâng cao năng lực và thực hiện cũng như tăng cường các hoạt động này, giữa hai hoặc nhiều nước trên cơ sở cùng nhất trí, để hỗ trợ việc thực hiện Hiệp định này và nâng cao các lợi ích có được từ Hiệp định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phát triển.

Quy trình hợp tác và xây dựng năng lực

Các nước CPTPP sẽ thành lập một Uỷ ban hợp tác và nâng cao năng lực để xác định và rà soát các lĩnh vực nỗ lực hợp tác hoặc nâng cao năng lực tiềm năng trên cơ sở tự nguyện và sự sẵn sàng của các nguồn lực.


Phát triển

CPTPP là Hiệp định bao gồm các nước có trình độ phát triển rất khác nhau. Vì vậy, Chương Phát triển được xây dựng nhằm giúp các nước thành viên đang phát triển của CPTPP có thể tận dụng được tối đa cơ hội mà Hiệp định mang lại đối với các trọng tâm về phát triển. Nội dung chính của chương này bao gồm:

Vai trò của phát triển: Các nước CPTPP công nhận tầm quan trọng của vấn đề phát triển trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực mà Hiệp định CPTPP đã đặt ra.

Các ưu tiên trong phát triển: Các nước CPTPP đưa ra 3 lĩnh vực  được xem xét hợp tác ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, bao gồm: (i) Tăng trưởng kinh tế ở diện rộng, (ii) Tham gia của phụ nữ vào tăng trưởng kinh tế, (iii) Giáo dục, Khoa học và Công nghệ, Nghiên cứu và Đổi mới

Uỷ ban Phát triển nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển chung: Các nước CPTPP thành lập một Uỷ ban Phát triển nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác tự nguyện để hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển trong CPTPP tận dụng cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại.


Doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chương Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đặt ra những quy định nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này được tham gia và tận dụng được các cơ hội do Hiệp định CPTPP mang lại. Nội dung chính của chương này bao gồm:

Nghĩa vụ chia sẻ thông tin

Chương DNVVN yêu cầu các nước CPTPP phải thành lập hoặc duy trì một cổng thông tin điện tử công khai hoặc một trang tin điện tử cung cấp các thông tin về Hiệp định CPTPP, bao gồm cả các thông tin được thiết kế dành riêng cho các DNVVN. Các nước cũng sẽ liệt kê trong trang tin điện tử của mình cổng thông tin điện tử tương tự của các nước CPTPP khác.

Thành lập Ủy ban DNVVN

Các nước CPTPP đồng ý thành lập Ủy ban DNVVN nhằm bảo đảm sự tham gia của các DNVVN trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP cũng như hỗ trợ các DNVVN tận dụng được các lợi ích của Hiệp định.


Hội tụ phương pháp hoạch định chính sách

Thông qua chương Hội tụ về phương pháp hoạch định chính sách (HTCS), các nước CPTPP cam kết duy trì một môi trường pháp lý thông thoáng, công bằng và dễ dự đoán cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chương này không ảnh hưởng đến quyền của các nước CPTPP trong việc điều chỉnh chính sách vì mục đích sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và người lao động, bảo đảm quốc phòng – an ninh, ổn định tài chính và các mục đích vì lợi ích công cộng khác.

Nội dung cơ bản của chương này bao gồm:

  1. Tầm quan trọng của HTCS,
  2. Áp dụng các thực hành tốt về chính sách và
  3. Thúc đẩy khuôn khổ hợp tác CPTPP.
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn