Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nâng vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

19559

Sau 35 năm đổi mới, theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

10 năm công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao.
Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN; đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.
Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 – 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công thương, ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, cùng với đó hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Viettel, VinGroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát… đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp như: sản xuất công nghiệp tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước….
Nguồn: Thanhnien
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn