Ba năm thực thi Hiệp định CPTPP: Doanh nghiệp Việt vẫn lúng túng

47041

Sau 3 năm tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng nhảy vọt. Tuy nhiên, những quy tắc trong Hiệp định này tương đối phức tạp, cơ quan quản lý cần hỗ trợ DN bắt kịp nhanh hơn ưu đãi.

Sau khi ký một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (bao gồm Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP), hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, Hiệp định CPTPP, với mức độ cam kết sâu hơn và diện phủ rộng hơn đã tạo ra xung lực rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Khác với EU là thị trường xuất khẩu tương đối truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP, đặc biệt các quốc gia châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới, xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian trước khi CPTPP có hiệu lực còn khiêm tốn. Tuy nhiên, sau khi CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đã tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 680 tỷ USD, mức tăng trưởng đạt 19%. Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có tác động sâu sắc đến hoạt động kinh tế thế giới.


Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đánh giá, sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP, kim ngạch xuất khẩu đạt thành tích đáng tự hào. Đáng chú ý chính là sự gia tăng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chưa có FTA, như Canada, Mexico, Peru.

Điều này cũng cho thấy, DN dù có những khó khăn nhưng đã bắt nhịp nhanh với các điều kiện CPTPP mang lại; thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt. DN sẵn sàng chinh phục vùng đất mới xa hơn mà trước đây tưởng chừng như rất khó khăn với DN Việt Nam.

“DN đã tận dụng các lợi thế của Hiệp định để xuất khẩu, không chỉ mặt hàng điện tử, dệt may, da giày… mà còn có những mặt hàng nông sản kim ngạch có thể chưa cao nhưng đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất, về lưu thông hàng hoá, đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn của thị trường quốc tế” – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải đánh giá.

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Võ Hồng Anh dẫn chứng thêm, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam tháng 1/2019, chúng ta chứng kiến tăng trưởng nhảy vọt của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ. Trong đó, xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Hay như đối với Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đã có bước nhảy vọt, đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 100% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.

Ở góc độ DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam Lương Đức Long đánh giá, các hiệp định thương mại tự do và hiệp định CPTPP đã có đóng góp rất tích cực trong việc hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như thêm nguồn cung nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường này còn gặp trở ngại như khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận tải cao, thời gian vận chuyển kéo dài cùng các tiêu chuẩn chất lượng cao của các thị trường.

Còn nhiều rào cản

Mặc dù đã thu về những kết quả ấn tượng, thế nhưng, những quy tắc trong Hiệp định CPTPP tương đối phức tạp và khác biệt, khiến nhiều DN còn lúng túng, chưa bắt kịp các ưu đãi. Phân tích về vấn đề đáp ứng quy tắc xuất xứ trong CPTPP 3 năm qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy tắc xuất xứ của CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA khác, đòi hỏi DN phải có thời gian để tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất.

Theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực hơn 3 năm nay, nhưng DN Việt Nam bắt nhịp chưa nhanh, hiểu biết về Hiệp định này của DN còn rất khiêm tốn. Theo khảo sát, năm 2021, có 69% DN nghe nói, hoặc biết sơ bộ về CPTPP, 25% DN có tìm hiểu và đang tìm cơ hội thâm nhập thị trường. Vì vậy, vẫn còn không ít thách thức đặt ra, đòi hỏi cơ quan chức năng, Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ DN trong việc tìm hiểu tiếp cận thị trường mới.

TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, rào cản để DN tận dụng được các lợi thế của Hiệp định là khác nhau. Đó là tiếp cận thị trường để hưởng ưu đãi thuế quan, các DN phải đáp ứng các điều kiện, trong đó điều kiện quan trọng là đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Đây là trở ngại lớn nhất của DN Việt Nam.

Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác chính là năng lực cạnh tranh, nguồn lực của DN. Bên cạnh đó, hạn chế hiện nay chính là thông tin về CPTPP, để đạt ưu đãi thuế quan… còn khá thiếu vắng đối với DN. Một phần do cách thức cung cấp thông tin từ phía cơ quan quản lý, cũng như DN còn chưa chủ động tiếp cận các nội dụng về Hiệp định.

Theo TS Lê Duy Bình, khi chúng ta ký được Hiệp định như vậy là một thuận lợi hết sức lớn, nhưng không phải tự nhiên cơ hội sẽ đến, nếu chúng ta không tiếp cận được bạn hàng và có những đối tượng khác quan tâm ở các quốc gia thành viên. Đây là khâu mà chúng ta phải đẩy mạnh trong thời gian sắp tới. Mặc dù hiện nay có thể nói kết quả đang rất tốt, nhưng tính chủ động của DN của Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận các đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới.

Dưới góc độ quản lý, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, Bộ đã có một chương trình hành động để hiện thực hóa, hỗ trợ cho DN tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP. Trước hết là những vấn đề về phổ biến, tuyên truyền các cam kết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ, giúp DN hiểu rõ vai trò cũng như cách tận dụng các quy tắc này. Trong đó có ý nghĩa rất lớn là việc thay đổi về chuỗi cung ứng và thay đổi về quy trình. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng triển khai mạnh hoạt động kết nối giao thương, cũng như xúc tiến trên nền tảng số và trong thời gian sắp tới cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn.

Nguồn: Kinh tế đô thị (01/08/2022)

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn