Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, cả doanh nghiệp và người dân nuôi tôm đều gặp rất nhiều khó khăn.
Đến nay, thị trường xuất khẩu tôm đã có những chuyển biến tích cực, giá tôm nguyên liệu cũng dần tăng trở lại.
Tuy giá tôm chưa được như kỳ vọng nhưng đây là những tín hiệu tốt giúp ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm dần ổn định trở lại và phát triển trong thời gian tới. Điều cần quan tâm lúc này, đó chính là đảm bảo tôm chế biến đáp ứng các tiêu chí, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, EU…
Một vài thị trường truyền thống của tôm Việt Nam đang hồi phục và đẩy mạnh nhập tôm trở lại. Nhưng xu hướng tiêu thụ tôm đã có những thay đổi. Điển hình như việc chuộng tôm size vừa và nhỏ 15g đến 20g/con (tương đương từ 60 đến 90 con/kg), mức giá vừa phải và dễ tiêu thụ tại các thị trường bán lẻ, siêu thị…
Còn với các size lớn tầm 30g đến 40g/con (tương đương 20 đến 40 con/kg), do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các nhà hàng, khách sạn đóng cửa, nhu cầu ăn tôm lớn và giá cao hơn bắt đầu giảm. Trong khi đó, tại nước ta, tâm lý của người nuôi là thích nuôi tôm lớn vì bán được số ký nhiều.
Vì vậy người nuôi cần cân nhắc vì tôm từ 60 con/kg nuôi đến 20 con/kg thì thời gian nuôi lâu hơn, tốn lượng thức ăn rất lớn, tốn công chăm sóc mà lại rủi ro. Nếu giá đầu ra giữa 60 con và 20 con không chênh lệch nhiều thì không cần thiết nuôi đến kích cỡ lớn.
Đồng thời, nếu nuôi tôm size vừa và nhỏ thì người nuôi có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm hơn do vòng quay sản xuất ngắn, chỉ từ 60-80 ngày.
Đây là thời điểm mà chính quyền các địa phương, doanh nghiệp đầu ngành cần có sự định hình lại thị trường phù hợp khi một số quy trình nuôi đang hướng đến tôm kích cỡ lớn, dẫn đến chi phí cao, lợi nhuận thấp.