20.000 tấn đường xuất sang EU được miễn thuế theo EVFTA

13136

EVFTA có hiệu lực từ 1/8 đã mở ra cơ hội xuất khẩu đường chất lượng cao sang EU với hạn ngạch xuất khẩu 20.000 tấn đường trắng và sản phẩm chứa trên 80% đường được miễn thuế.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu 20.000 tấn đường vào thị trường EU theo diện được ưu đãi thuế 0%.

Cụ thể, EU cam kết dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch đối với 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa trên 80% đường/năm

Hàng hóa có xuất xứ được phân loại theo các dòng thuế gồm các mã HS: 1701.13.10; 1701.13.90; 1701.14.10; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90; 1702.30.50; 1702.90.50; 1702.90.71; 1702.90.75; 1702.90.79; 1702.90.95; 1806.10.30 và 1806.10.90 trong Biểu thuế của EU sẽ được miễn thuế trong phạm vi 20.000 tấn/năm dưới dạng đường thô tương ứng.

Các quy định về đường và kẹo đường được nêu tại Chương 17 của Hiệp định EVFTA, hàng có xuất xứ được phân loại theo dòng thuế 1701.14.90 trong Biểu thuế của EU sẽ được miễn thuế trong phạm vi 400 tấn/năm.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, EVFTA tạo cơ hội trong dài hạn để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và thực phẩm trong đó có mặt hàng đường vốn từ trước tới nay chưa thâm nhập vào được thị trường khó tính này. 

Việc hơn 20.000 tấn đường được ưu đãi thuế 0% được đánh giá là rất đáng kể với các doanh nghiệp, bởi nếu không được ưu đãi thuế, thuế xuất khẩu ngoài hạn ngạch vẫn được tính với thuế suất 339 EUR/tấn đối với đường thô và 419 EUR/tấn đối với đường luyện.

Theo dự báo của USDA, sản lượng đường nhập khẩu của EU trong niên vụ 2020/21 ước đạt 2,1 triệu tấn ( giảm 8,7%), tương ứng với khoảng 11,3% sản lượng đường tiêu thụ trong khu vực. Để đạt được lợi thế cạnh tranh tại thị trường này, các sản phẩm nông sản (bao gồm mặt hàng đường) cần đảm bảo được các yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, do mức tiêu thụ đường bình quân đầu người tại EU đã ở mức cao (35 kg/người/năm, cao hơn mức trung bình thế giới – 22,6 kg/người/năm), nhu cầu sử dụng đường của thị trường này đang hướng đến các sản phẩm cao cấp như đường organic, đường ăn kiêng, đường có bổ sung thêm dưỡng chất…

Đây là những sản phẩm có giá bán cao, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 35 – 40%. Do đó, thị trường EU sẽ đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có bộ sản phẩm đường và sau đường đa dạng, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng.

Sản lượng đường xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm khoảng 1 – 3% tổng đường sản xuất trong giai đoạn 2011-2015. Trong đó, thị trường chính của đường Việt Nam là Trung Quốc với hơn 90% tỷ trọng xuất khẩu. Tuy nhiên, đường Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc chủ yếu là đường thô và đường trắng có phẩm cấp trung bình thấp, được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách biên mậu.

Từ năm 2017, xuất khẩu đường của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn do chính sách thắt chặt nhập khẩu đường của nước này để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất đường nội địa tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 7 tháng 2020, dưới tác động của dịch Covid-19 và lũ lụt, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu đường nhằm dự trữ lương thực thiết yếu, trong đó có đường từ Việt Nam. 

Dù đang có lợi thế xuất khẩu sang Trung Quốc do chính sách dự trữ lương thực thiết yếu, nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm để tận dụng hết lượng hạn ngạch có được từ EVFTA và các FTA đã đi vào thực thi. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị các doanh nghiệp sản xuất và Hiệp hội mía đường Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU để thúc đẩy xuất khẩu đường và sản phẩm chứa đường vào EU.

Việc gia tăng được xuất khẩu đường cũng giúp các DN dễ thở hơn trong bối cảnh thị trường đường trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh quá lớn từ hàng nhập khẩu và nhập lậu. 

Số liệu của Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gần 7 lần so với năm 2019, đạt gần 950.000 tấn, trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 860.000 tấn, (so với cùng kỳ năm 2019 là 145.000 tấn và cả năm 2019 là 300.000 tấn), đồng thời cao hơn 12,1% so với sản lượng đường mía sản xuất trong nước.

Thế Hoàng

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn