Theo Reuters, các nhà sản xuất từ 6 quốc gia có ngành may mặc lớn thế giới, trong đó có Việt Nam, đã liên minh để đàm phán các điều khoản tốt hơn với các thương hiệu thời trang phương Tây.
“Chúng tôi muốn cùng nhau giải quyết những vấn đề chung mà chúng tôi gặp phải. Đây không phải là chuyện giá cả” – Miran Ali, phát ngôn viên của Mạng lưới các nhà cung cấp châu Á STAR, cho biết hôm thứ Tư, “đây là về việc kinh doanh có đạo đức”.
Ông Ali nói rằng, sáng kiến mới này sẽ giúp các nhà sản xuất châu Á có “tiếng nói mạnh mẽ hơn” trong việc đặt ra các điều khoản thanh toán và giao hàng với các thương hiệu phương Tây.
Liên minh này đại diện cho 9 hiệp hội ở 6 quốc gia có ngành sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam – cũng như Pakistan, Myanmar và Campuchia, sản xuất ra 60% lượng quần áo xuất khẩu của thế giới và sử dụng hàng triệu công nhân.
“Các nhà cung cấp ở các quốc gia khác có thể tự do tham gia”, ông nói thêm.
Ken Loo, phát ngôn viên của một hiệp hội may mặc có trụ sở tại Campuchia cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với nhau để tạo ra các điều kiện tiêu chuẩn. “Không ai có nghĩa vụ tuân thủ các điều khoản này nhưng chúng tôi hy vọng nó sẽ là kim chỉ nam cho tất cả người mua và nhà cung cấp”.
Đầu năm ngoái, các công ty thời trang đã hủy nhiều đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ đô la do hàng loạt cửa hàng trên toàn thế giới phải đóng cửa vì Covid-19, dẫn đến thiệt hại tiền lương lên tới 5,8 tỷ USD.
“Chúng tôi hy vọng rằng sáng kiến này sẽ bao gồm một lộ trình rõ ràng để tạo ra các thỏa thuận tốt hơn với thương hiệu, mang lại mức lương cao hơn và điều kiện làm việc an toàn hơn cho người lao động,” Meg Lewis, người đứng đầu các chiến dịch tại Labour Behind the Label, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại nước Anh.