Bộ Công Thương phổ biến “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới”

27402

Nhằm giúp các cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ ngành Công Thương có cái nhìn tổng quát về bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 9/10 tại Phú Thọ, Công đoàn Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi tổ chức Diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và thương mại quốc tế, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương đã chủ trì diễn đàn.

Là cơ quan được giao chức năng quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện công tác đàm phán, ký kết các FTA và các nhiệm vụ liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế. “Như vậy, cho đến nay Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin.

Hội nhập kinh tế quốc tế thực chất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình quốc tế, phù hợp với các định chế kinh tế thương mại song phương và đa phương, cùng nhau tuân thủ các cam kết đó để giải quyết vấn đề thị trường, hàng hóa và dịch vụ, làm cho các thị trường hoạt động có trật tự, giúp giảm thiểu các hành động “bóp méo” thương mại. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế là phương tiện để hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định và bền vững.

Trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, hiện Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức rất cao với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết; đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thực thi từ 01/8/2020 và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP đã hoàn tất đàm phán và chuẩn bị ký kết vào cuối năm 2020. Việc chủ động tham gia và đàm phán các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đã có tác động, ý nghĩa rất lớn, giúp thực hiện thành công chiến lược thị trường, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.

Đánh giá về độ mở của nền kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, từ khi Việt Nam tham gia WTO, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%, độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, năm ngoái tăng trên 200%, độ mở của nền kinh tế liên tục tăng nhờ các hiệp định thương mại tự do. “Điều này cho thấy Việt Nam đã gắn bó sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới; đang trong tiến trình chỉ có tiến và tiến nhanh chứ không được đi chậm. Đây là cũng là minh chứng cho đường lối, chủ trương chính sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đánh giá môi trường quốc tế trong 3 tháng cuối năm và thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, Thứ trưởng cho biết, cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương cần tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế… Thứ trưởng nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới cần đặt mục tiêu cao nhất là phục vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Bên cạnh những thuận lợi, hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại không ít khó khăn như: Vấn đề môi trường, lao động chưa được quan tâm, nếu được quan tâm thì cũng chậm được xử lý; tâm lý bất mãn đã xuất hiện; khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng…

Thông qua diễn đàn lần này, cán bộ ở các cấp Công đoàn Bộ Công Thương đã có một cái nhìn toàn diện về hội nhập kinh tế quốc tế; vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Trong đó, để tận dụng những cơ hội mới, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội rất lớn để chúng ta đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định vị đất nước ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Đây chính là những nhân tố thuận lợi để Việt Nam tiếp tục hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập và phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ hội nhập theo hướng chuyên nghiệp, bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, kỹ năng là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Trong khuôn khổ Diễn đàn, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã tham quan, trao đổi kinh nghiệm với Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.

Văn phòng Bộ Công Thương
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn