Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5/2022 xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 110.000 tấn, đạt 181 triệu USD, tăng lần lượt 40,4% về lượng và 27,9% về trị giá so với tháng 4/2022. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cao su tăng 33,1% về lượng và tăng 26,4% về trị giá.
Lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 595.00 tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su xuất khẩu trong tháng 5/2022 đạt 1.645 USD/tấn, giảm 8,9% so với tháng 4/2022 (tháng 4 đạt khoảng 1.805 USD/tấn); so với tháng 5/2021 giảm 5% (tháng 5/2021 đạt khoảng 1731 USD/tấn).
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam lớn nhất, chiếm 67% tổng lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam, đạt 402.647 tấn. Đứng thứ 2 là thị trường Ấn Độ, đạt 43.697 tấn; thứ 3 là thị trường Hàn Quốc đạt 15.274 tấn; Thổ Nhĩ Kỳ đạt 13.728 tấn…
Nhìn chung, xuất khẩu cao su trong 5 tháng đầu năm 2022 sang các thị trường có sự tăng trưởng không đồng đều. Trong đó, tại các thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng, riêng Ấn Độ tăng hơn 50% về sản lượng so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, các thị trường như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Đức lại ghi nhận mức giảm. Trong số các thị trường xuất khẩu, Nga là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất, tăng gần 90% về sản lượng nhập khẩu cao su trong 5 tháng đầu năm 2022.
Theo Bộ Công thương, trong tháng 5/2022, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt của châu Á có biến động mạnh, giá có xu hướng tăng trở lại kể từ giữa tháng do lo ngại về nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su ghi nhận trong ngày 30/5/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 6/2022 ở mức 1,96 USD/kg. Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su trong ngày 30/5/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 6/2022 ở mức 1,95 USD/kg.
Tại thị trường trong nước, Trong tháng 5/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước giảm nhẹ so với cuối tháng 4/2022. Tại Bình Phước, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 305-345 đồng/TCS. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 340 đồng/TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 305-315 đồng/ TSC, giảm nhẹ so với cuối tháng 4/2022.
(TSC là chỉ số hàm lượng chất khô có trong mủ cao su thiên nhiên)
Trong 4 tháng đầu năm, theo Bộ Công thương, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam lớn nhất, chiếm 99,7% tổng kim ngạch xuất khẩu chủng loại cao su này của Việt Nam. Cụ thể, đạt 209.880 tấn, tương ứng 505 triệu USD, tăng 13,6% về lượng và tăng 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đáng chú ý như cao su tổng hợp, cao su hỗn hợp, SVR20… Tuy nhiên, các chủng loại này hiện chiếm tỷ trọng còn nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Về giá xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp tăng 8,1%; SVR3L tăng 8,7%; cao su tổng hợp tăng 28%…
Cùng với sự tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cũng đạt tín hiệu khả quan. Trong đó, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam đạt 4.904 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2022, lợi nhuận trước thuế đạt 1.499 tỷ đồng. Trong năm 2022, công ty này đạt chỉ tiêu đạt 29.707 tỷ đồng về doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 6.480 tỷ đồng. Cũng trong năm nay, Cao su Việt Nam đặt ra 4 kế hoạch sản xuất để đạt được chỉ tiêu đã đề ra.
Nguồn: https://mekongasean.vn/xuat-khau-cao-su-sang-cac-thi-truong-lon-bien-dong-trai-chieu-post7301.html